Năm 2020, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của thành phố Đà Nẵng âm 9,77% đã kéo lùi quy mô kinh tế địa phương trở về 3 năm trước. Năm 2021, thành phố này xác định là năm phục hồi kinh tế. Thế nhưng ngày 3/5, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch lần thứ tư và tiếp tục lây lan diện rộng, sau đó kéo dài, buộc thành phố phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao để bảo vệ sức khỏe người dân.
Khi thực hiện triệt để “ai ở đâu thì ở đó”, các chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế bị đứt gãy. Người dân và doanh nghiệp thành phố đối mặt với nhiều khó khăn. Ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng từng bước khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng của một thành phố năng động. Kết thúc năm 2021, Đà Nẵng đạt mức tăng trưởng dương khá ấn tượng. Những ngày đầu năm 2022, người dân Đà Nẵng kỷ niệm 25 năm ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong niềm hy vọng mới.
Ngày 31/12/2021, hạng mục hầm chui Dự án Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý hoàn thành theo đúng tiến độ. Đây là nỗ lực lớn của chủ đầu tư và đơn vị thi công bởi cả thời gian dài vướng địa chất xấu phải thay đổi phương án thi công, rồi mưa bão và dịch bệnh kéo dài, việc thi công công trình bị ngưng trệ.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được Đà Nẵng xem là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19, thành phố từng bước cho phép những dự án trọng điểm quy mô hàng ngàn tỷ đồng triển khai thi công. Đó là các dự án đường và cầu qua sông Cổ Cò; Dự án đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng; Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; Dự án Nhà máy nước Hòa Liên; Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý… Đến cuối năm 2021, nhiều dự án đầu tư công có tỷ lệ giải ngân cao.
Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đến mốc thời gian 31/12, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 89% và đến hết tháng 1/2022 sẽ đạt hơn 95%.
"Chúng tôi đã hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ liên quan trong điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thủ tục pháp lý. Từ đó, tạo điều kiện rút ngắn hồ sơ tạo thuận lợi triển khai thực tế tại công trường. Đối với công trình trọng điểm trọng lực, phối hợp với địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Từ đó sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, để đẩy mạnh thi công thực tế tại hiện trường" - ông Nguyễn Minh Huy nói.
Để khôi phục và phát triển kinh tế sau khi kiểm soát dịch bệnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng ban hành nhiều giải pháp và kế hoạch triển khai thực hiện. Một trong những giải pháp quan trọng đó là gắn trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, người đứng đầu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố Đà Nẵng thành lập 2 tổ công tác liên ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời giao trách nhiệm công tác đền bù giải tỏa cho địa phương, nâng cao trách nhiệm của các Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện. Đến giữa tháng 12/2021, thành phố Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt 76% kế hoạch được giao.
Dự án đường vành đai phía Tây 2 là 1 trong những công trình trọng điểm của Đà Nẵng được đẩy nhanh tiến độ.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết: "Trong năm vừa qua, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt đối với việc thực hiện các công trình xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của HĐND tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án tập trung giải ngân từng tháng đối với từng công trình cũng như phân loại dự án đối với công trình có đền bù giải tỏa cũng như đối với công trình không đền bù giải tỏa để có giải pháp cho phù hợp".
Nhìn lại khoảng thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 10/2021, cả chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng tập trung đối phó với dịch bệnh Covid-19. Mọi hoạt động kinh tế gần như tạm dừng. Các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục trải qua một năm u ám, thiệt hại nặng nề.
Kết thúc quý 3 năm 2021 cũng là lúc Đà Nẵng từng bước kiểm soát được dịch bệnh thì mức tăng trưởng kinh tế đã âm 1,25%. Vì vậy, Quý 4 năm 2021, cả thành phố Đà Nẵng dồn sức cho khôi phục kinh tế. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp phục hồi sản xuất 100%. Những ngành kinh tế có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, kinh doanh kho bãi phục hồi nhanh chóng; dịch vụ, thương mại cũng từng bước tăng trưởng.
TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng cho biết: "Một số các ngành tăng nhanh hơn trong quý 4, ví dụ như là công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn so với dự báo của Cục Thống kê. Hay là xây dựng cũng phục hồi nhanh. Các ngành bán buôn, bán lẻ, ăn uống cũng là nguồn góp phần tăng GRDP rất tốt. Ngoài ra, sau thời gian dài, lĩnh vực bất động sản cũng trở lại cũng góp phần trong quý 4 này. Kể cả đường hàng không trở lại cũng đem lại nguồn thu lớn cho thành phố".
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc Đà Nẵng suy giảm kinh tế sâu do quá lệ thuộc vào kinh tế dịch vụ, du lịch. Theo ông Trần Đình Thiên, thành phố này cần phát huy lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển; phát triển đô thị theo hướng đổi mới sáng tạo, đô thị khoa học công nghệ.
Thành phố Đà Nẵng chọn năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện quyết tâm này, Đà Nẵng xác định phải triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ về phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Tổ công tác liên ngành về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng.
Thành phố tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành trình Trung ương sớm có các cơ chế, chính sách, tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển. Đó là Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và Đề án Khu Phi thuế quan thành phố Đà Nẵng...
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: "Về nhiệm vụ năm 2022, có rất nhiều chỉ tiêu mà đòi hỏi phải có rất nhiều quyết tâm mới thực hiện được. Đó là tổng sản phẩm xã hội tăng từ 6-7% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu vượt từ 3-5% so với năm 2021. Đây là những chỉ tiêu trong số 12 chỉ tiêu mà để đạt được là không hề đơn giản. Để đạt những chỉ tiêu này, thành phố phấn đấu kiểm soát tốt dịch bệnh và tiếp tục có nhiều hành động quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả hơn".
Kết thúc năm 2021, thành phố Đà Nẵng đã vượt qua tăng trưởng âm. Mức tăng trương dương năm 2021 chỉ ở con số 0,18% trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài cho thấy ý chí nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân của địa phương này. Đây cũng là cơ sở cho Đà Nẵng thắp lên hy vọng kinh tế nhanh chóng được khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững hơn./.
Theo Vov.vn