Chủ Nhật, 24/11/2024 01:19:01 GMT+7
Lượt xem: 1050

Tin đăng lúc 01-01-2022

Đà Nẵng tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong thời gian dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, TP Đà Nẵng đã chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đà Nẵng tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Năm 2021 Đà nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 3.542 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.781 tỷ đồng.

Tích cực hỗ trợ về vốn, lãi suất

 

Trong thời gian dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội tại Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng của địa phương đã bị tụt lại so với dự kiến. Trong đó, bộ phận các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong công tác duy trì sản xuất.

 

Để tiếp tục hoạt động kinh tế cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng muốn thành phố, Chỉnh phủ cùng với các đơn vị chức năng có thẩm quyền kiến nghị hỗ trợ về vốn và lãi suất ngân hàng. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, Nghị quyết 166 để hỗ trợ lực lượng này.

 

Theo ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đà Nẵng trong 2 năm  2020 và 2021 số lượng doanh nghiệp giải thể tại địa phương là tương đối lớn. Ông An thông tin năm 2020 thành phố giải thể 935 doanh nghiệp và năm 2021 là 690 doanh nghiệp. Kèm với đó, có 2711 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

 

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, đi lại của công nhân, phong tỏa,... nhất là các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành các chính sách cho ngời lao động và doanh nghiệp. Trong đó hỗ trợ cho người lao động về mất việc làm, dừng việc. Thành phố cũng thực hiện đúng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn An cho hay.

 

Thông tin từ ông An, đối với việc cho vay đối với doanh nghiệp để trả lương người lao động tạm dừng làm việc TP Đà Nẵng đã thực hiện được 30,4 tỷ đồng cho 78 đơn vị. Riêng quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116 đến nay Bảo hiểm xã hội đã chi 543 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động.

 

Đối với doanh nghiệp hiện nay đang có 3 chính sách hỗ trợ và TP Đà Nẵng đã thực hiện được gần 92 tỷ. Trong đó giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp 30,6 tỷ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí là 32,8 tỷ và giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động là 28,4 tỷ đồng.

 

“Những vấn đề đó giảm được một phần khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên thời gian qua các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nên công nhân đi về quê tránh dịch bây giờ quay trở lại cũng khó khăn, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động vẫn thiếu. Cung cầu mất cân bằng mặt dù tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,76%, nhà tuyển dụng không tìm được nguồn lao động chất lượng cao”, ông Nguyễn Văn An cho biết.

 

Theo báo cáo của ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, trong năm 2021 đơn vị đã tiến hành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 1.321 doanh nghiệp được cơ cấu miễn, giảm lãi. Trong đó, số vay của doanh nghiệp được cơ cấu miễn, giảm lãi là 16.015,13 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được vay mới là 2.600 đơn vị. Trong đó, số tiền cho doanh nghiệp vay mới để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 là 283.184,53 tỷ đồng.

 

Tín hiệu tốt từ việc doanh nghiệp hoạt động trở lại

 

Theo số liệu từ Cục thống kê Đà Nẵng, năm 2021 thành phố Đà nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 3.542 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.781 tỷ đồng (giảm 13,8% về số doanh nghiệp và giảm 17% về số vốn so với năm 2020). Đồng thời, Đà Nẵng cũng hoàn tất thủ tục giải thể cho 690 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.711 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động (tăng 32% so với năm 2020) và 1.791 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động (tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2020).

 

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng nhìn nhận số doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị trường trong quý IV/2021 có xu hướng tăng trở lại so với quý trước. Theo ông Vũ, việc các doanh nghiệp thành lập mới gia tăng đáng kể là dựa vào các hoạt động kinh tế và dịch vụ hành chính được khôi phục sau giãn cách.

 

“Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể giảm dần, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố. Cần rà soát, đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện phòng chống dịch đã ban hành, triển khai trong năm 2021, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các chính sách về hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đất đai, thuế, lao động”, ông Trần Văn Vũ nói.

 

Theo đề xuất của Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tiếp tục triển khai các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo dõi, đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng để xem xét điều chỉnh nhằm đáp ứng kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

 

“Về phát triển doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong, ngoài nước. Tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở tận dụng tối đa công nghệ thông tin. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn thành phố. Thường xuyên tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố, hỗ trợ đắc lực cho các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư”, ông Trần Văn Vũ kiến nghị.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang