Công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ sở CNNT, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Theo bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm khuyến công Phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Thái Bình cho biết: Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Chương trình khuyến công giai đoạn và các văn bản pháp luật có liên quan làm cơ sở triển khai chương trình.
Từ năm 2012 - 2022, TTKC đã tổ chức, đào tạo nghề cho 13.560 lao động, từ nguồn kinh phí khuyến công, số lao động có việc làm đạt tỷ lệ trung bình trên 70%, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người dân được đào tạo nghề vẫn tăng cao, đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh cần quan tâm hơn nữa, tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho các đối tượng lao động phổ thông, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư tại địa phương.
Theo mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo, ngoài việc đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT của tỉnh, huy động mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế… đây là điều kiện để Thái Bình tiếp tục mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp bên ngoài vào Thái Bình và đã được các doanh nghiệp đánh giá cao, được các nhà đầu tư lựa chọn.
Lớp học nghề may công nghiệp tại xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án Công ty TNHH Compal Electronics (Việt Nam) được triển khai xây dựng trên diện tích 40 ha tại KCN Liên Hà Thái, Khu kinh tế Thái Bình, chuyên tập trung sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính, bao gồm: Sản xuất, gia công, lắp ráp các sản phẩm, các bộ phận, linh kiện, các phụ kiện liên quan và các bộ phận thay thế, chi tiết như máy tính xách tay, cổng chuyển và bảng mạch máy tính xách tay, bảng mạch cổng chuyển và nhiều thiết bị điện tử cao cấp khác; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện (là vật liệu để sản xuất linh kiện điện tử) của Công ty ET Solar Power HongKong Limited, tổng vốn đầu tư hơn 3.490 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) tại CCN An Ninh, xã An Ninh, huyện Tiền Hải… Chính vì vậy, tỉnh Thái Bình rất cần lao động có tay nghề.
Có thể thấy, công tác khuyến công của tỉnh Thái Bình trong những năm qua, đã và đang được thực hiện tốt góp phần huy động mọi nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo mục tiêu, định hướng của tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Nhất là, công tác đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn đã cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp tuyển dụng, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người dân địa phương.
Do vậy, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương, các cấp, ngành của tỉnh nghiên cứu, xây dựng chương trình, đề án khuyến công, đào tạo nghề, nhằm khuyến khích người dân tham gia học tập nâng cao tay nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cúa các doanh nghiệp đến đầu tư tại Thái Bình. Bên cạnh đó, TTKC sẽ kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng hiện đại hóa, phát triển bền vững.
Công Đăng