Nhiều năm qua, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng của ngành Công nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng bởi nó không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cho DN, mà còn giúp bảo vệ môi trường nơi làm việc, cải thiện sức khỏe cho người lao động và đưa công nghiệp phát triển bền vững.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 7.000 DN công nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Chế biến nông lâm nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến,… để khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương với nhiều chính sách cụ thể như tiết kiệm điện năng tiêu thụ; cải tiến công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp (KCN), trong đó chủ yếu là các cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và đi vào hoạt động, tuy nhiên hầu hết các KCN và CCN chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều DN đã có ý thức về bảo vệ môi trường nhưng do khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên chưa triển khai được.
Trước thực trạng đó, để từng bước giúp các DN tiếp cận với công nghệ SXSH, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp Đắk Lắk (TTKC) đã tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức về SXSH cho các DN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2018, TTKC đã mở lớp Tập huấn về áp dụng SXSH trong công nghiệp và phổ biến tuyên truyền chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hoạt động này nhằm giúp các học viên nắm bắt được việc áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất công nghiệp; Hiểu được các lợi ích của sản xuất sạch hơn gồm: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh doanh nghiệp tốt; cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn. Đây là bước quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và bước đầu làm quen với công nghệ SXSH. Qua đó giúp doanh nghiệp tìm ra được giải pháp để đạt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Thực tế, từ khi áp dụng SXSH trong công nghiệp, một số doanh nghiệp đã giảm được trên 10% chi phí sản xuất và 15-20% các chất thải ô nhiễm…
Với lợi ích mà SXSH đem lại, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020, việc áp dụng SXSH trong công nghiệp đạt các chỉ tiêu như: 90% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức được lợi ích của SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên trách và cán bộ chuyên trách được đào tạo về SXSH trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Bảo Kiên