Tiềm năng lớn phát triển các loại hình năng lượng
Theo Dự thảo Báo cáo giữa kỳ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2022, tầm nhìn đến năm 2050, cung cấp điện an toàn và ổn định cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông là cần thiết cho mục tiêu chung trong quy hoạch phát triển tỉnh.
Về tiềm năng, theo Sở Công Thương Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông là một trong các tỉnh có nguồn nước khá phong phú có điều kiện phát triển nguồn thủy điện nhỏ, là địa bàn có giờ nắng bình quân tương đối cao, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển nguồn thủy điện và điện mặt trời tự phát và không hiệu quả, gây lãng phí trong trong giờ thấp điểm và quá tải trong giờ cao điểm khi hòa lên lưới, cần có định hướng phát triển nguồn điện hiệu quả, tuân thủ theo quy định vận hành lưới điện của tỉnh và quốc gia.
Hiện nay, các trạm chuyên dụng 110/22kV phục vụ riêng cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên đẩy mạnh phát triển điện mặt trời bằng hình thức trang trại hoặc áp mái để tận dụng giờ nắng trong ngày vì giờ làm việc của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thường nằm trong khung giờ có nắng mặt trời cao. Như vậy sẽ giảm tải cho cho trạm chuyên dụng và trạm này có thể cung cấp cho các phụ tải khác.
Dù những dự án điện mặt trời mới phát triển, nhưng cần nhìn nhận không phải tấm pin mặt trời nào cũng có thời hạn sử dụng 15-20 năm, vậy vấn đề xử lý chất thải tấm pin cần phải nghiên cứu. Sản phẩm này không chỉ khó phân hủy trong môi trường tự nhiên mà còn chứa các kim loại nặng, nên nếu để nó trong môi trường sẽ rất nguy hại.
Ngoài ra, xác định điện khí hoá nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, đóng góp hiệu quả trong công cuộc xoá đói giảm nghèo cũng như Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, đầu tư xây dựng điện nông thôn, miền núi hải đảo và tiếp nhận trực tiếp bán điện cho người sử dụng điện ở nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Cần thiết xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng thuộc đề án Quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, có xét đến 2050
Quy hoạch năng lượng tỉnh Đắk Nông được xây dựng gần đây nhất chính là Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 – 2025 có xét đến 2035 đã được phê duyệt tại quyết định số 2907/QĐ-BCT ngày 11/07/2016 của Bộ Công Thương. Bắt đầu từ năm 2016 đã trải qua 5 năm thực hiện phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo quy hoạch đã được duyệt, quá trình thực hiện có mặt được cũng có nhiều mặt chưa được thực hiện theo đúng lộ trình quy hoạch.
Luật Quy hoạch 2017 đã thay đổi cơ bản quy trình quy hoạch, thay vì quy hoạch điện lực riêng biệt, thì giờ đây điện lực là một phần trong quy hoạch phát triển của tỉnh theo Quyết định số 843/QĐ-UBND, ngày 23/05/2017, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vì các lý do trên, hạng mục Quy hoạch phát triển năng lượng thuộc đề án Quy hoạch phát triển tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, có xét đến 2050 được thiết lập là điều cần thiết phải thực hiện nhằm đánh giá thực trạng, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch điện lực trong thời gian vừa qua, điều chỉnh và định hướng cho quy hoạch điện lực trong thời kỳ 2021-2030 và xét đến 2050.
Theo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân trong nhiệm kỳ đạt 7,5-8% (năm 2020 đạt 3.075 USD), cao hơn mức bình quân của cả nước, và dự kiến 9.15% trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dịch vụ bất động sản, tỷ trọng các loại hình này chiếm trên 77%.
Xét về vị trí địa lý, tỉnh Đắk Nông là một tỉnh tây nguyên có ưu thế về địa hình sông suối nhiều, thuận lợi khai thác nguồn năng lượng thủy điện. Hơn nữa, với độ cao và địa hình của núi đồi thuận lợi cho phát triển năng lượng gió.
Về điều kiện phát triển năng lượng mặt trời không phải là ưu thế lớn của tỉnh nhưng cũng là một trong các địa phương có giờ năng tương đối cao nên cũng là một trong các thế mạnh cần được khai thác tại các vùng đồi.
Ngoài ra, Đắk Nông là một tỉnh trung gian thông thương giữa các tỉnh tây nguyên và trung bộ với Tp. Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế và thương mại, cũng như là trung tâm phụ tải, nơi tiêu thụ điện lớn nhất khu vực phía nam. Vì vậy thuận lợi cho việc trung chuyển năng lượng từ các nơi về Tp. Hồ Chí Minh.
Cũng vì là địa phương trung chuyển năng lượng nên nguồn lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh khá ổn định, các vị trí tiếp cận đấu nối tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lưới điện tỉnh Đắk Nông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Xu hướng phát triển công nghệ hiện đại là điều tất yếu, đặc biệt các công nghệ mới trong nguồn điện gió, mặt trời, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều này đòi hỏi lao tiếp cận công nghệ và cần lao động kỹ thuật cao. Đắk Nông là một tỉnh cách không xa Tp. Hồ Chí Minh, là nơi có trình độ phát triển công nghệ cao, có thuận lợi cho việc tiếp cận công nghệ và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao…
Với những thế mạnh và điểm yếu như đã nêu nhận thấy quy hoạch đến năm 2030 có tầm nhìn đến năm 2050 về năng lượng có các cơ hội như sau: Phát triển hệ thống lưới điện quốc gia đến các khu vực phụ tải tập trung như: Tp. Gia Nghĩa và một số đô thị, từ đó hệ thống điện được xây dựng để lan tỏa cung cấp đến các khu vực sử dụng điện.
Ngoài ra, việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến của thế giới thông qua các kết quả thực thi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh thuận lợi cũng là một cơ hội để Đắk Nông phát triển công nghệ cao. Phát triển nguồn thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có diện tích đất tiềm năng nông nghiệp thấp như các khu vực đồi trọc. Khai thác các lợi thế về địa phương trung chuyển mọi mặt.
Phát triển năng lượng theo hướng nào?
Mục tiêu phát triển nguồn năng lượng cả nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 chỉ rõ, chương trình phát triển nguồn điện hướng đến thị trường điện với cực tiểu hóa chi phí sản xuất và truyền tải điện năng của hệ thống điện, có xét tới các mục tiêu đảm bảo về cam kết giảm phát thải khí nhà kính, khí ô nhiễm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, có xét tới các ràng buộc về tiềm năng năng lượng sơ cấp, khả năng cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện (tiềm năng thủy điện, tiềm năng điện gió, điện mặt trời, khả năng khai thác, cung cấp và nhập khẩu than, nhập khẩu khí cho phát điện).
Theo đó, trên địa bàn tình ưu tiên phát triển nguồn phục vụ phụ tải tiêu thụ điện trong địa bàn trước khi truyền tải đến các khu vực lân cận. Về thành phần nguồn, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo với thế mạnh của tỉnh là các loại nguồn điện gió, thủy điện nhỏ và năng lượng mặt trời.
Song song với việc phát triển điện gió, điện mặt trời, cũng cần xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng, thủy điện tích năng… để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện khu vực.
Bên cạnh đó, việc phát triển cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành sản xuất kinh doanh và phát triển đô thị, quy hoạch giao thông của tỉnh và đô thị. Các cửa hàng xăng dầu không nằm trong khu dân cư tập trung, không nằm cạnh các công trình công cộng như nhà văn hóa, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến xe, chợ... đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Theo Congthuong.vn