Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Trong 2 năm 2014 - 2015, đã có hơn 32.000 tấn hàng thủy hải sản bị trả về. Trong 9 tháng đầu năm 2015, có 27 lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị thị trường Nhật Bản cảnh báo nhiễm hóa kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014 (21 lô). Số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh cấm tăng nhiều nhất 3,66 lần. Với thực tế này, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không được cải thiện. Tương tự, tại thị trường EU, Việt Nam cũng có 27 lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh trong thời gian này, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014. Phía EU đã có văn bản gửi Nafiqad (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy hải sản - Bộ NN&PTNT), nêu rõ 24 DN chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm, đồng thời cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện rõ rệt sẽ áp dụng các biện bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng châu Âu. Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so với năm 2014. Australia cũng cho biết sẽ ngừng NK thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.
Ngoài thủy, hải sản, gần đây một số mặt hàng nông sản như hạt tiêu, điều, cà phê, gạo… cũng bị nước ngoài trả về. Trong vòng 4 năm trở lại đây, ước tính có khoảng 10 ngàn tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam bị phía Mỹ trả về với lý do gạo tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe... có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu... Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng vì tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng hóa trả về do nhiều nguyên nhân, có thể do ghi sai tên, địa chỉ, nhãn mác trên bao bì, do không đúng quy cách phẩm cấp đã quy định trong hợp đồng, do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc do dư lượng hóa chất cho phép… Cho dù vì nguyên nhân gì, thì khi hàng hóa bị trả về, doanh nghiệp cũng bị tổn thất lớn về tài chính, bên cạnh đó, uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thế giới cũng bị giảm sút nhiều, thậm chí có thể mất thị trường xuất khẩu.
Điều nhiều người tiêu dùng băn khoăn và quan ngại chính là số lượng thủy , hải sản, nông sản… bị trả về được các doanh nghiệp xử lý thế nào, có tiêu hủy không hay lại bán trở lại thị trường trong nước? Thật vậy, khi mặt hàng xuất khẩu bị trả về nếu không thể xuất sang một thị trường khác thì bằng cách nào đó chúng sẽ có mặt ở thị trường trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp họ thường không chấp nhận tổn thất lớn nên để vớt vát số vốn họ sẽ không lựa chọn cách tiêu hủy sản phẩm.
Giải thích vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Nhà nước có đặt ra cơ chế để xử lý những mặt hàng xuất khẩu bị trả về. Cụ thể, những lô hàng đó sẽ được kiểm định lại, nếu dư lượng chất kháng sinh hay hóa chất khác vượt mức cho phép thì phải tiêu hủy, không vượt ngưỡng thì doanh nghiệp có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Tuy nhiên việc giám sát nguồn hàng này hiện chưa chặt chẽ vì nhiều lý do. Ai biết được đường đi tới của những lô hàng này. Bỏ thì thương, vương thì... bệnh!
Xuân Lê