Bên cạnh đó là ngăn chặn trẻ tiếp xúc với đồ chơi bạo lực, bởi đây là một trong những công cụ khiến trẻ dễ trở thành người mang khuynh hướng sống theo bạo lực khi trưởng thành, con đường phạm tội và sa ngã.
Chủ động đấu tranh với đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc.
Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường và Công an Thành phố Hà Nội đã xác định các cơ sở kinh doanh đồ chơi là mặt hàng trọng điểm đưa vào nội dung các kế hoạch chủ động đấu tranh của các đơn vị kể từ đầu năm 2017. Đặc biệt là trong những ngày Tết trung thu dành cho các trẻ em, thiếu nhi.
Cụ thể, ngày 11/9, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho chứa hàng thuộc Công ty CP Dịch vụ giao hàng nhanh (địa chỉ Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, lực lượng liên ngành phát hiện một hộp carton chứa 50 vật có hình trụ tròn, nghi là đạn có tính sát thương. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Huy, người được ủy quyền của Công ty trình bày, số hàng này do một người đàn ông gửi tại kho của Chi nhánh Công ty để chuyển giao cho người khác. Nhận thấy đồ chơi mang tính nguy hiểm cao, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hàng hóa và mang đi giám định theo thẩm quyền để tiếp tục xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Tiếp đó, ngày 12/9, đoàn đã tiếp tục kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 160 Thổ Quan 1, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) và phát hiện các thùng carton, bên trong chứa 96 khẩu súng nhựa đồ chơi bắn đạn xốp, bên ngoài bao bì sản phẩm in chữ nước ngoài, ghi nhãn hàng Nerf (Mỹ). Đây được xác định là các sản phẩm đồ chơi bạo lực, mặt hàng cấm mua bán, lưu hành vì có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ em.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Chủ hàng là Hà Ngọc Ninh, trú tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng. Đồng thời khai nhận đã thu mua trôi nổi trên thị trường để bán lại kiếm lời trong dịp Trung Thu này. Căn cứ vào mức vi phạm, Đội QLTT số 1 đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Chưa dừng lại đó, mới đây, ngày 02/10, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - CA quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã tiến hành phối hợp với Đội QLTT số 3 - Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra đối tượng vận chuyển đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu vực phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Sau đó, tổ công tác tiếp tục phối hợp kiểm tra 4 cơ sở tập kết đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em không có nguồn gốc xuất xứ tại khu vực chợ Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình).
Tại đây, Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ hàng chục nghìn đồ chơi trẻ em, thuộc mặt hàng cấm kinh doanh như: Súng đồ chơi, kiếm, bóng cao su các loại… Tổng trị giá hàng hoá lực lượng chức năng thu giữ ước tính hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ tang vật vi phạm đã được bàn giao cho Đội QLTT số 3 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, bằng phương thức chủ động trong công tác xử lý các cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi, kể từ đầu năm 2017 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 11 và 17 đã phát hiện, xử lý 60 vụ, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại. Qua tiến hành kiểm tra, xử lý, hàng hóa vi phạm chủ yếu gồm 2 loại: Đồ chơi bạo lực (đao, kiếm, súng bắn đạn bi…) và đồ chơi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe (bánh kẹo gắn trên đồ chơi có chất độc hại) đã bị lực lượng tịch thu, tiêu hủy.
Người kinh doanh đồ chơi bạo lực, nguy hiểm sẽ bị xử lý ra sao?
Trước vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng: “Việc kinh doanh mặt hàng trò chơi nguy hiểm, bạo lực là vi phạm nghiêm trọng, bởi tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về vi phạm này”.
Theo Luật sư Doãn Hùng, căn cứ vào mức độ vi phạm của các đối tượng, chủ cơ sở sản xuất khi vi phạm tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm thì sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “(a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép; (d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm; (đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ" tại Khoản 4 - Điều 1.
Hình thức xử phạt bổ sung: (a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này; (b) Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều này; (c) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, d Khoản 3; Điểm b Khoản 4 Điều này” (khoản 8 Điều 1).
“Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định xử phạt nêu trên, theo chúng tôi là phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép đồ chơi nguy hiểm xét trong tương quan với những hành vi vi phạm pháp luật khác”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, có những người vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm, thì trường hợp này cần áp dụng những biện pháp khác, không chỉ dùng hình thức xử phạt nặng để giải quyết vấn đề”, Luật sư Hùng cho biết thêm.
Long Trọng