Vậy nên dù cùng đón Tết Nguyên đán nhưng mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những tục lệ riêng, vô cùng độc đáo và kỳ thú
Phong tục đón Tết của người Tày – Nùng ở Cao Bằng
Theo quan niệm của dân tộc Tày - Nùng, năm hết Tết đến có ý nghĩa rất quan trọng là tổng kết, đánh giá kết quả trong một năm về thành quả lao động, sản xuất và dự định những kế hoạch mới. Chính vì vậy, chào đón một năm mới đến, mọi gia đình dồn sức lực chăm lo Tết thật đầy đủ.
Để chuẩn bị đón năm mới, cứ đến ngày 25 tháng Chạp hằng năm, mọi người làm bất cứ thứ gì trong nhà đều không vi phạm đến tâm linh, hay tín ngưỡng trong gia đình, dòng họ. Do vậy các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp các đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới vui vẻ.
Để chuẩn bị đón Tết, mỗi gia đình chuẩn bị một cây nêu. Đúng chiều 30 Tết, cây nêu được dựng ngay sàn nhà. Bàn thờ được trang trí lại và dọn dẹp sạch sẽ, các chân hương cũ trong năm bỏ đi.
Mỗi lọ hương của bàn thờ chính, các cửa nhà, cửa chuồng trâu, bò đều được cắm kèm theo cành mận non, cành lá cây báng rừng... với quan niệm có nhiều tài lộc và sự bình an đối với gia đình. Khi thắp nén hương đầu tiên, các gia đình đều xông lên bàn thờ chậu nước đun sôi từ lá bưởi, nhằm xua đi những luồng sinh khí bẩn trong nhà, làm cho mọi thứ đều sạch sẽ.
Chiều 30 Tết, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết như: bánh chưng, bánh khảo, chè lam... theo phong tục; ngoài các món ăn truyền thống không thể thiếu con gà thiến để cúng.
Thời khắc giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ. Người đến mỏ nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm. Theo quan niệm, ống nước được đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.
Độc đáo phong tục “khù mi” trong của người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang
Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam , dân tộc Lô Lô hiện có trên 1.523 người sinh sống ở Hà Giang. Từ nhiều đời nay dân tộc Lô Lô vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Theo ông Sìn Gỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn: Người Lô Lô chuẩn bị đón tết rất chu đáo, mỗi năm người Lô Lô đón 2 cái Tết lớn, đó là Tết cả (Tết năm mới) và Tết tháng 7.
Sáng mùng 1 Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình người Lô Lô sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình.
Trước đây, dân tộc Lô Lô ăn Tết Nguyên đán kéo dài suốt từ 30, mùng 1 đến tận rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết, nhà nào nhà nấy thịt lợn, họ để cả con vật mới mổ cúng cho tổ tiên chứng giám lòng thành, sau đó mới làm mâm cỗ cúng vào tối 30 và ngày mùng 1 tết. Và họ cũng chỉ cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 tháng Giêng là ngày cuối càng của tết năm mới.
Nét độc đáo trong ngày Tết cổ truyền, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, người Lô Lô vẫn tồn tại một tập tục lạ gọi là "khù mi" (ăn cắp chơi - ăn cắp lấy may). Tục ăn trộm lấy may là một phong tục lâu đời và khá kỳ lạ tồn tại trong cộng đồng người Lô Lô. Sở dĩ họ ăn trộm vì quan niệm rằng vào năm mới, nếu ai đó mang về nhà được chút gì thì cả năm gia đình sẽ ăn nên làm ra.
Người Lô Lô đi lấy may lặng lẽ, không gọi rủ nhau, không để ai biết, gặp người quen cũng không chào hỏi. Họ lấy về những thứ nhỏ bé, ít giá trị như củ hành củ tỏi, thanh củi…
Vào tối 30 Tết, mỗi gia đình phải đi ăn cắp cái gì đó và phải lấy cho đủ con số 12. Ví dụ, lấy ngô đủ 12 bắp; lấy gà, gạo, hoa quả cứ đủ con số 12. Đó là con số ứng với 12 tháng trong năm tới may mắn. Nếu mới lấy được 2 hoặc 3, 4... tức chưa đủ 12 mà đã bị phát hiện thì bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số phải bỏ chạy đó thì phải kiêng kị không được làm những công việc lớn sợ rủi ro.
Người Pu Péo gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may
Là một dân tộc thiểu số ít người nhất ở Hà Giang, dân tộc Pu Péo hiện chỉ có trên 628 người ở Hà Giang trên tổng số dân số trong toàn tỉnh. Người Pu Péo sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh, một số ít sinh sống tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.
Theo hồi ức của những người già và quan niệm của người Pu Péo, mọi sự sinh tử của con người trần gian đều do các vị thần trên trời quyết định. Vào chiều ngày tất niên, người Pu Péo sẽ tổ chức gọi hồn cho mỗi thành viên trong gia đình. Người ta quan niệm rằng, suốt một năm làm lụng vất vả, mọi người đi lại nhiều, hồn vía tứ tán khắp nơi. Trước khi hết năm, cần gọi hồn về để đón năm mới với ước muốn có nhiều sự tốt lành hơn.
Người Pu Péo có phong tục gánh nước đầu năm với hy vọng nước sẽ mang lại một năm mới tốt lành
Ngoài các vị thần, linh hồn tổ tiên cũng có những tác động đến cuộc sống của mỗi gia đình, vì thế người Pu Péo nhất thiết phải thờ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ, người ta không đặt vị hay thần chủ mà chỉ đạt các hũ nhỏ, mỗi hũ tượng trưng cho một đời. Khi cúng tổ tiên, bao giờ người Pu Péo cũng có 2 mâm cúng, một mâm là cho tổ tiên và một mâm là cho ma ngoài, ma dưới. Các vật hiến sinh bao giờ cũng được cúng hai lần, một lần trước khi giết thịt và một lần sau khi đã được nấu chín.
Không chỉ duy trì phong tục đón Tết cổ truyền, cũng giống như những dân tộc khác, trong dịp Tết, người Pu Péo có tục gói bánh chưng, nhưng độc đáo ở chỗ ở gói hai loại bánh: Bánh chưng đen ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trăng cúng vào tối 30 để mừng năm mới.
Đặc biệt, vào sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đặc biệt, trong 3 ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn, mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.
Độc đáo tục cúng bát nước lã của người dân Pà Thẻn
Tết Nguyên đán là một cái tết lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Pà Thẻn. Sau một năm lao động vất vả, thành quả của bà con dân tộc là thóc đầy bồ, ngô đầy gác bếp và gia súc đầy chuồng.
Cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Pà Thẻn luôn háo hức đón tết và mong chờ tết đến. Tết đến vừa là dịp nghỉ ngơi của bà con sau một năm lao động vất vả, vừa là dịp để những người thân đi xa lâu ngày về đoàn tụ.
Khác với các dân tộc thiểu số khác, dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang có một phong tục độc đáo là thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình, bên trên bát nước lã này được úp một chiếc đĩa.
Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn, bát nước đó tượng trưng cho biển, bát nước chứa đựng linh hồn của tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may.
Bàn thờ tổ tiên chỉ được cúng chính thức một lần vào đêm 30 Tết Nguyên đán. Lễ vật sẽ được các gia đình dân tộc Pà Thẻn chuẩn bị gồm năm chén rượu, một con gà trống thiến luộc chín và 10 cặp bánh dày.
Vào đêm 30 Tết, tất cả bản dân tộc Pà Thẻn, gia đình nào cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, chủ nhà mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới và cứ sáu tháng một lần mới được đổ thêm nước. Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu.
Trong đêm giao thừa, trong nhà thường bí mật nấu một nồi cháo gà để cả gia đình cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài, theo tín ngưỡng của bà con nếu lộ ra thì trong năm mới gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm đau bệnh tật.
Sáng sớm mùng một Tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn ba phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới.
Cũng trong buổi sáng ngày mùng một Tết, gia chủ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình.
Theo Enternews