Nói về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, ngoài thiếu hụt về kỹ năng chuyên môn, tính kỷ luật và tinh thần làm việc theo nhóm của lao động Việt Nam còn rất hạn chế.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, tác phong công nghiệp đòi hỏi có nhiều thay đổi, vì vậy, bên cạnh nâng cao kỹ năng về tay nghề, việc nâng cao tinh thần làm làm việc tập thể, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp là yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư quốc tế hiện rất quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, muốn đầu tư vào Việt Nam ở những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tuy nhiên, cản trở lớn nhất là đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một câu hỏi đặt ra: Làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực? Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, nhà nước cung cấp tài chính cho các cơ sở giáo dục- đào tạo nhưng khi đào tạo ra lại không đáp ứng nhu cầu của DN. Do vậy, cần gắn kết nhu cầu đào tạo của các cơ sở đào tạo trong xây dựng chiến lược dạy nghề. Báo cáo của VCCI đã đưa ra dự báo về nhu cầu sử dụng lao động của DN, trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược đào tạo dạy nghề. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động “đặt hàng” đối với các cơ sở đào tạo nghề. Ngoài việc có thể trực tiếp đầu tư vào hệ thống các trường dạy nghề, các DN có thể hợp tác với cơ sở dạy nghề trong đào tạo. Sự gắn bó chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề và DN có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng dạy nghề bên cạnh định hướng chiến lược của Chính phủ…
Việc mở rộng hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng. Các nước trên thế giới đã có những kinh nghiệm, những modun về đào tạo dạy nghề rất tốt, nên việc tạo điều kiện cho các cơ sở nước ngoài, cũng như trao đổi giáo viên… là con đường đi ngắn nhất.
Đặc biệt, cộng đồng DN với tư cách là giới chủ sử dụng lao động có tiếng nói rất quan trọng trong quá trình đào tạo dạy nghề. Từ trước đến nay, việc dạy nghề chủ yếu là do các trường trong hệ thống của nhà nước thực hiện. Song với yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động về cả chất lượng và số lượng như hiện nay thì chắc chắn nhà nước không thể một mình thực hiện được mà phải có sự tham gia của toàn xã hội. Chúng ta đã chủ trương xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào đào tạo, đồng thời mở cửa mời gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần gắn đào tạo với nhu cầu thực tế của DN, công tác dạy nghề mới thực sự mang lại hiệu quả cao.
Cải cách thể chế đặt năng suất lao động ASEAN như một mục tiêu bắt buộc, trong lĩnh vực lao động cũng phải đạt được mức ngang bằng đó. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử