Thứ Sáu, 22/11/2024 17:39:11 GMT+7
Lượt xem: 2025

Tin đăng lúc 09-01-2023

Đầu năm, các chuyên gia bàn về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô

Có thể nói, mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô chính là thước đo hàng đầu cho sự phát triển của ngành sản xuất, kinh tế quốc gia, đồng thời thể hiện cho mức sống của người dân.
Đầu năm, các chuyên gia bàn về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần nhiều nguồn lực để phát triển

Vừa qua, Hội thảo “Phát triển công nghiệp ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội mới đây chứng kiến nhiều tham luận, chia sẻ, kiến nghị tâm huyết của các đại biểu về vấn đề phát triển công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô đầy tiềm năng.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Song song với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đề ra những định hướng, chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

 

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tại Hội nghị

 

“Tuy nhiên, cùng với việc chú trọng nhiều cải cách, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít rủi ro về sự đầu tư mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn”, bà Minh khẳng định.

 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định: “Vai trò của ngành công nghiệp ô tô là cực kỳ quan trọng, là biểu tượng của chất lượng ngành công nghiệp và công nghệ của một quốc gia. Trong những năm gần đây, nó còn là thước đo của việc bắt nhịp với xu thế mới đó là sản xuất thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp và kỷ nguyên số”.

 

Chuyên gia này cũng cho biết, công nghiệp ô tô chính là công nghiệp ứng dụng khi những công nghệ thuộc ngành này còn được ứng dụng để phát triển các phương tiện di động, nhằm phục vụ các hoạt động khác của đời sống xã hội như hạ tầng, thiết bị di chuyển không người lái, thiết bị quân sự… Ông Thành cũng chia sẻ thêm rằng, vấn đề sáng tạo công nghệ lõi trong ngành ô tô ở Việt Nam hiện vẫn rất khó khăn. Chỉ khi thực sự làm chủ được công nghệ sáng tạo, công nghệ lõi thì mới có thể phát triển, đặc biệt là trong một xã hội di động như ngày nay.

 

 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành 

 

Trong khi đó, TS. Yasushi Ueki thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (IDE – JETRO) đưa ra một dự báo đầy lạc quan rằng, quy mô thị trường ô tô tại Việt Nam có thể đạt 01 triệu xe/năm vào năm 2030. Con số này là đủ lớn để phát triển công nghiệp sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ông Yasushi Ueki cũng cho biết: “Hiện tại, khả năng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ đạt chừng 600.000 chiếc/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chính phủ và doanh nghiệp (DN) cần có các chính sách, giải pháp, nỗ lực lớn hơn nữa để phát triển năng lực sản xuất ô tô trong nước”. Những chính sách mà chuyên gia người Nhật Bản chỉ ra bao gồm chính sách về thuế, phát triển lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

 

Theo ông Yasushi Ueki, để tăng năng lực cạnh tranh, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cần phát triển bền vững, giảm phát thải theo xu hướng thế giới, cải tiến, đón đầu công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và ngành CNHT. Việc áp dụng các công nghệ điện khí hóa vào sản xuất ô tô sẽ giúp giảm phát thải, giảm chi phí, giúp DN đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, một trong những điều quan trọng nhất chính là các DN cũng cần tăng cường chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT); trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (Big Data)… trong ngành sản xuất ô tô như việc tự động hóa các dây chuyền, ứng dụng AI vào việc thiết kế hệ thống tự lái trên ô tô…

 

Đại diện của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) - ông Fusanori Iwasaki cho rằng, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam cũng cần cân nhắc giảm các chi phí xã hội, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng dụng hạ tầng công nghệ thông qua phát triển công nghệ số hóa. Ông Fusanori đánh giá cao việc phát triển xe điện thân thiện với môi trường, đồng thời tích hợp công nghệ thông tin vào công nghệ xe điện. Kiến nghị về chiến dịch phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam, ông Fusanori cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các quốc gia như kết nối về vật lý, về thể chế, công nghệ… đều là những vấn đề thiết yếu phát triển ngành ô tô và ứng dụng vào việc xây dựng trạm sạc.  

 

Lấy bài học từ Thái Lan, là nước trong cùng khối ASEAN với Việt Nam, ông Fusanori cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi chiến lược tự do hóa thương mại ASEAN được thực hiện, Thái Lan đã có các chính sách ưu đãi cho việc nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu phục vụ phát triển ngành sản xuất ô tô và hỗ trợ xuất khẩu ô tô cùng linh kiện ra khu vực và thế giới. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Thái Lan đã phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô rất mạnh mẽ, vươn mình trở thành một trong những quốc gia hàng đầu tại ASEAN.  

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

tnquynh.cntd@gmail.com ( 1/9/2023 4:14:50 PM )
Công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực ô tô cần tăng tốc phát triển để đáp ứng nhu cầu của sản xuất ô tô trong nước.
<1>

Quảng cáo

Về đầu trang