Chủ Nhật, 24/11/2024 07:31:22 GMT+7
Lượt xem: 6279

Tin đăng lúc 23-11-2018

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh

Ngày 22-11, tại tỉnh Bến Tre, 1.557 doanh nghiệp đến từ 35 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2018 để tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh
Các sản phẩm đặc sản vùng, miền được trưng bày tại hội nghị.

Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm nay diễn ra từ ngày 22 đến 24-11, với mục đích xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng xuất khẩu; tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị phần cho các sản phẩm, đặc trưng, tiềm năng của các địa phương, vùng miền.

 

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: “Qua sáu năm triển khai, xét về quy mô, hiệu quả của hội nghị kết nối cung - cầu ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Năm nay, có 473 gian hàng tham gia tại hội nghị kết nối cung - cầu, lớn nhất từ trước đến nay. Đến trưa ngày 22-11, đã có 306 biên bản ghi nhớ, ký kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị. ”.

 

Thông qua kết nối đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh/thành, đã giúp cho doanh nghiệp thành phố chủ động trong công tác tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng, trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện về kinh tế, xúc tiến thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong những năm vừa qua đã tạo sự gắn kết chặt chẽ, tạo mối quan hệ hợp tác toàn diện. Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và ngày càng tạo sự lan tỏa sâu rộng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao lưu, phân phối, tiêu thụ...”.

 

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thương mại nước ta. Thu hút 10 triệu lao động, chiếm 15% tổng số lao động toàn xã hội, doanh thu bán lẻ không ngừng tăng. Điều đó chứng tỏ tiềm năm to lớn của thị trường nội địa, sức mạnh các doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của nước ta. Công tác kết nối cung - cầu trong thời gian qua mang lại hiệu quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước. Góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ người dân và xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường nội địa...

 

Năm nay, hội nghị tập trung thảo luận, giải quyết các vấn đề sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TP Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2020, sẽ triển khai công tác sơ chế nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố phân phối tại ba chợ đầu mối trong TP Hồ Chí Minh nhằm giảm lượng rác thải đưa vào thành phố. Đồng thời, định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và sẽ được thành phố hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng…

 

Nguồn Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang