Theo báo cáo của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện đang đứng thứ 88 trong 193 nước và vùng lãnh thổ về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng một bậc so với thứ hạng 89 trong cuộc khảo sát năm 2016. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định: Khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao. Từ báo cáo của các bộ, ngành cho thấy rõ công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đã tăng gấp đôi. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, 86,5% số văn bản điện tử trao đổi qua mạng, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm… Đáng chú ý, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9-12-2019) đến nay, đã có chín trong số 22 bộ, cơ quan và tất cả các tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với sự hợp tác của Tập đoàn FPT, Quảng Ninh là địa phương có những đột phá và được coi là đi đầu cả nước về áp dụng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Tỉnh dùng chung một hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tất cả đã được tích hợp chữ ký số; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 97%. Số lượt người dân, doanh nghiệp truy cập cổng thông tin công là 642.644 lượt; truy cập cổng thông tin điện tử là 2.259.248 lượt.
Một điển hình khác về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tỉnh An Giang hợp tác VNPT đã sớm triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính gắn với dịch vụ công trực tuyến, giúp công tác điều hành hiệu quả hơn. Nhờ đó tỷ lệ gửi và nhận văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 97%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 34%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ 75,8.
Xây dựng Chính phủ điện tử là một bài toán lớn, để giải quyết một cách tổng thể cần có sự chung tay của các địa phương, bộ, ngành, và đồng thời cần những giải pháp bền vững “Make in Vietnam”. Để đóng góp sức mình, những doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tàu sớm vào cuộc với Chính phủ, đóng góp năng lực, kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử, “vì một Việt Nam hùng cường”. VNPT hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông đang phát triển một số hệ thống cốt lõi cho Chính phủ điện tử, như Cổng Dịch vụ công quốc gia; Nền tảng trao đổi tài liệu điện tử quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (với tư cách là đối tác); cũng như phòng khám y tế và hệ thống bảo hiểm xã hội…
Trong khi đó, với thế mạnh hơn 20 năm triển khai các hệ thống công nghệ lớn quy mô quốc gia, hàng triệu người sử dụng, FPT đang hỗ trợ triển khai các giải pháp số cho hầu khắp các lĩnh vực dịch vụ công từ hành chính, tài chính, thuế, cũng như công cuộc chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, y tế, giao thông, giáo dục thông minh… Giải pháp Chính quyền điện tử của FPT hiện đang được triển khai tại các tỉnh, thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… Một số hệ thống công nghệ thông tin khác đã được FPT xây dựng nhiều năm qua như Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, Hệ thống quản lý thuế tập trung, Hệ thống cấp mã xác thực hóa đơn của Tổng cục Thuế… Đáng chú ý, trong năm 2019, FPT cũng đầu tư hàng chục sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số mới trong hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp “Make in Vietnam”, trong đó có nhiều sản phẩm nổi bật không chỉ phục vụ nhu cầu các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam mà còn vươn ra thế giới, tiêu biểu như akaBot (phần mềm tự động hóa quy trình doanh nghiệp bằng robot); cổng dịch vụ hợp nhất FPT.U-services (giúp doanh nghiệp trực tuyến hóa 90% quy trình giấy tờ nội bộ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm). Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu cơ sở đào tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao doanh nghiệp và thị trường công nghệ thông tin Việt Nam. Đến nay, Đại học FPT đã đào tạo được gần 20 nghìn sinh viên, trong đó 96% sinh viên được tuyển dụng ngay khi ra trường, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, hàng đầu thế giới…
Viettel hiện cũng đang tích cực hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm một số dự án do Văn phòng Chính phủ, các bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo… Các hệ thống cụ thể mà Viettel đang triển khai bao gồm Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, dự án thành phố thông minh ở Huế, cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu về điểm thi…
Hy vọng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, ban, ngành, sự sẵn sàng của các giải pháp “Make in Vietnam” của các công ty công nghệ, bộ mặt Chính phủ điện tử của Việt Nam sẽ có những thay đổi rõ rệt trong thời gian tới, nhất là đạt được các mục tiêu về Chính phủ điện tử, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…
Theo Báo Nhân Dân