Chủ Nhật, 24/11/2024 14:33:30 GMT+7
Lượt xem: 969

Tin đăng lúc 22-11-2020

ĐBSCL khởi sắc thu hút đầu tư

Thời gian gần đây, tình hình thu hút đầu tư ở ĐBSCL có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án lớn với mức vốn từ hàng ngàn tỷ đồng đến hàng chục ngàn tỷ đồng đã “đổ bộ” vào vựa lúa miền Tây, tạo hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
ĐBSCL khởi sắc thu hút đầu tư
Thi công trụ điện gió ở Bạc Liêu

Tín hiệu tích cực

 

Từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu trở thành “điểm sáng” ở vùng ĐBSCL khi mời gọi được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sẵn sàng “đổ vốn” làm ăn dài hạn. UBND tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 17.710 tỷ đồng (tăng 12 dự án và tăng gấp 8 lần về vốn so với cùng kỳ).

 

Đặc biệt, vào đầu năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất ĐBSCL từ trước tới nay. Hiện dự án đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến tới đàm phán hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dự kiến tổ máy đầu tiên 750MW khởi công vào đầu năm 2021.

 

Đại diện nhà đầu tư dự án (Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd.) cho biết, có khoảng 40 tập đoàn, tổng công ty tài chính, nhà thầu và các nhà đầu tư tham gia chuỗi dự án. Vì vậy, có thể yên tâm và tin tưởng vào năng lực của tổ hợp các đối tác đầu tư, đảm bảo thành công của dự án.

 

Đại diện nhà đầu tư cũng thông tin là sẽ cung cấp hệ thống năng lượng tích hợp bền vững, nguồn điện thân thiện môi trường, có độ tin cậy cao, phù hợp khả năng chi trả của người dân… Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Dự án tạo thêm hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, cùng hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành. Dự án là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng của địa phương.

 

Tại Long An, về đầu tư FDI, trong tháng 10, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 3 dự án với vốn đăng ký 17,24 triệu USD; 10 dự án tăng vốn đầu tư 45,86 triệu USD. Tính từ đầu năm đến nay, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 67 dự án FDI, với số vốn đăng ký 264,14 triệu USD. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất trang thiết bị y tế; sản xuất linh kiện điện tử; gia công, lắp ráp hàng tiêu dùng; kho bãi và dịch vụ logistics… được các doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất.

 

“Tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhằm sớm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhờ đó mà mấy tháng gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dần được phục hồi, từng bước trở lại sản xuất bình thường; nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng như chế biến, chế tạo…”, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn bộc bạch. 

 

Tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư

 

Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, nguyên nhân khiến thu hút đầu tư vào vùng này đang tốt lên là bên cạnh lợi thế vùng nông nghiệp trọng điểm, hạ tầng kinh tế kỹ thuật được cải thiện thì nỗ lực của các địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng là yếu tố gia tăng sức hút nguồn vốn đầu tư.

 

Quyền Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết: “Quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh là phát triển đồng bộ 2 vùng công nghiệp đã được quy hoạch tại huyện Tân Phước và khu vực Gò Công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các dự án đô thị theo chương trình phát triển nhà ở được phê duyệt, kết hợp với công trình thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn của tỉnh; ưu tiên các dự án hạ tầng du lịch, khai thác lợi thế về du lịch ven sông Tiền; tập trung nguồn lực và quỹ đất sạch phát triển các dự án chế biến nông sản, nông nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Năm 2021, Tiền Giang nỗ lực thu hút hơn 40 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng”. 

 

Tại Cà Mau, Khu công nghiệp Khánh An (huyện U Minh) với tổng diện tích hơn 235ha hiện nay quỹ đất không còn nhiều, trong khi nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp là khá lớn. Trước thực tế trên, các nhà đầu tư và những đối tác liên doanh ở TPHCM đề xuất với UBND tỉnh xem xét cho chủ trương đầu tư mở rộng khu công nghiệp này. Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau cho biết, đã báo cáo lên UBND tỉnh về đề xuất trên; ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh thực hiện đo đạc, lên phương án giải phóng 50ha đất tại Khu công nghiệp Hòa Trung (huyện Cái Nước) nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới. 

 

Tương tự, tỉnh Bạc Liêu cũng đang tập trung đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSCL nhằm mở rộng hợp tác với nhiều tỉnh thành, nhất là với TPHCM, để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kiểm tra, đôn đốc các dự án đã cấp phép đầu tư; rà soát lại những dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm nhằm có hướng tháo gỡ.

 

Các nhà chuyên môn nhận định, sau đại dịch Covid-19, sẽ có sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ và Việt Nam là điểm đến lý tưởng được các nhà đầu tư FDI quan tâm, ưu tiên lựa chọn. Đây là cơ hội tốt để “vùng trũng” ĐBSCL bứt phá bằng việc tạo ra môi trường hấp dẫn, sự năng động và minh bạch của chính quyền, tạo cho nhà đầu tư tin tưởng và mạnh dạn đổ nguồn vốn lớn vào làm ăn dài hạn.

 

Theo báo SGGP.org


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang