Dấu ấn Buôn Ma Thuột
Những ngày đầu tháng 3, các con đường chính của TP Buôn Ma Thuột được trang hoàng lộng lẫy chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột. Ông Y Bhiông Niê, 82 tuổi, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk, hiện sinh sống ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, bày tỏ sự tự hào về lịch sử hào hùng và sự đổi mới, phát triển nhanh chóng của vùng đất mà mình đã từng chiến đấu và sinh sống. Dừng chân bên tượng đài chiến thắng ở Ngã sáu Buôn Ma Thuột, ông Y Bhiông Niê cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Buôn Ma Thuột được chọn là địa điểm mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cũng như TP Buôn Ma Thuột, đến nay thành phố đã có sự thay đổi lớn về mọi mặt và tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển. Đồng chí Từ Thái Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột cho biết: Thời gian phát triển mạnh nhất của Buôn Ma Thuột sau 45 năm giải phóng là kể từ khi thực hiện Kết luận 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020, phương hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong giai đoạn 2010 - 2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt 96.055 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 14% và vốn ngoài ngân sách chiếm 86%. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2010 - 2020 đạt 9,16%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 22.109 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 1.743 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,43%. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010 - 2019, tại TP Buôn Ma Thuột có 57 dự án phát triển đô thị đã được phê duyệt với tổng diện tích 608,2 ha, đến nay đã có 34 dự án vốn ngân sách và bốn dự án vốn của doanh nghiệp đã và đang triển khai với diện tích 427 ha. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm được Trung ương và tỉnh tập trung xây dựng. Các công trình, dự án được triển khai đầu tư đồng bộ góp phần làm cho Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại và bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Già làng Y Blah Êban, 77 tuổi ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, dẫn chúng tôi đi giữa buôn Akô Dhông lộng gió. Hướng đôi mắt về phía những ngôi nhà cao tầng xen kẽ những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Đê nằm ngay giữa lòng thành phố, già Y Blah Êban tự hào: Sau ngày đất nước giải phóng, Buôn Ma Thuột chỉ là một thị xã nhỏ bé, hiu quạnh, cơ sở hạ tầng thấp kém, dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. 45 năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đến nay Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện về mọi mặt. Điều đáng nói là giữa lòng thành phố vẫn bảo tồn được nhiều buôn làng, nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Đê, tạo cho Buôn Ma Thuột một sắc thái riêng hài hòa giữa hiện đại và truyền thống mà không phải thành phố nào cũng có được.
Xứng tầm thủ phủ của Tây Nguyên
Triển khai thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị với nhiều định hướng phát triển lớn, quy mô cấp vùng, nhưng TP Buôn Ma Thuột chưa thật sự được quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư; không có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá nhằm phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Nền kinh tế của thành phố phát triển chưa vững chắc, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế chưa cao; việc kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Một số dự án, công trình trọng điểm, tạo đột phá chậm được triển khai thực hiện hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư xây dựng đô thị...
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình phát triển của TP Buôn Ma Thuột đã bộc lộ một số hạn chế và phát triển thiếu bền vững. Đó là chưa có ngành, lĩnh vực kinh tế tạo bước đột phá. Nhiều quy hoạch không có vốn đầu tư để thực hiện, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng đồng bộ của thành phố. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Một số đồ án quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn đã làm chậm cơ hội đầu tư và thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào Buôn Ma Thuột. Trong quá trình phát triển đô thị, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng Tây Nguyên chưa được chú trọng bảo tồn khiến đô thị Buôn Ma Thuột không khác gì các đô thị khác... Vì vậy, để thành phố xứng tầm là thủ phủ vùng Tây Nguyên cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù và các giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn vùng Tây Nguyên.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) chỉ ra rằng: Việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương đúng và cần thiết. Tuy nhiên, trong những năm qua do thiếu nguồn lực đầu tư và chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho nên đến nay thành phố vẫn chưa có bước đột phá nào thể hiện là đô thị trung tâm và có vai trò dẫn dắt cả vùng Tây Nguyên. Vì vậy, để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột xứng tầm là thủ phủ của vùng Tây Nguyên, cần có tư duy đột phá, không chỉ coi phát triển thành phố là việc riêng của Đắk Lắk mà phải thống nhất về tầm quan trọng phát triển là cho cả khu vực Tây Nguyên và ven biển Nam Trung Bộ.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược về chính trị, quốc phòng - an ninh của TP Buôn Ma Thuột đối với vùng Tây Nguyên và cả nước, ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng; là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương buôn bán, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, đồng thời sẽ đầu tư lên quy mô cấp vùng một số lĩnh vực như du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… Thời gian tới, Trung ương và Đắk Lắk ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như tuyến tránh thành phố đường vành đai phía đông, đường vành đai phía tây 2; nâng cấp mở rộng quốc lộ 29; xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng); xây dựng đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế… nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông để kết nối Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế. Trên cơ sở Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt sẽ xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực, sớm xây dựng TP Buôn Ma Thuột xứng tầm là thủ phủ của vùng Tây Nguyên.
Theo Báo Nhân Dân