Chỉ thị được các DN đón nhận và kỳ vọng Luật này sớm được đưa vào cuộc sống nhằm giúp DNNVV tháo gỡ những khó khăn tồn tại suốt thời gian qua.
Theo thống kê, trong tổng số các DN đang hoạt động trên cả nước thì có tới 97% là DNNVV. Đây là khối DN có mặt ở tất cả các lĩnh vực, từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp xây dựng đến thương mại, dịch vụ, du lịch... Với tỷ lệ rất lớn như vậy thì sự đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước của bộ phận DN này là không hề nhỏ. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ khối DN này luôn được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu.
Nhiều ưu đãi cho DNNVV
Với nhiều nội dung ưu đãi bao quát tất cả các lĩnh vực hoạt động của DN, Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từngày 01/01/2018 được cộng đồng DN, đặc biệt là khối DN nhỏ ghi nhận và đánh giá cao.
Nội dung cốt lõi của Luật là những quy định về hỗ trợ chung và hỗ trợ cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DN khởi nghiệp sáng tạo; DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hỗ trợ chung cho DNNVV bao gồm các biện pháp hỗ trợ cơ bản như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, phát triển nguồn nhân lực.
Những chính sách ưu đãi về lãi suất, về thuế là một trong những nội dung quan trọng tạo lực đẩy cho các DN nhỏ phát triển cũng đã được quy định khá rõ trong Luật, đặc biệt, đối với DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn được hưởng hỗ trợ từ tư vấn hướng dẫn miễn phí nộp hồ sơ; thủ tục thành lập DN; miễn lệ phí đăng ký DN; phí thẩm định; phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm; tư vấn hướng dẫn miễn phí các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu...
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ DNNVV xác lập được thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ngay tại thị trường nội địa, tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị, Luật cũng quy định các DN, tổ chức đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm nếu có ít nhất 80% số DNNVV tham gia sẽ được hưởng hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng một số thông tư liên quan đến việc hướng dẫn các hoạt động về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cũng như hỗ trợ xây dựng mạng lưới tư vấn dành cho DNNVV, dự kiến trong quý 3/2018 sẽ hoàn tất dự thảo và gửi các cơ quan có liên quan xin ý kiến. Đối với các hoạt động về hỗ trợ và tuyên truyền phổ biến pháp luật thì cũng đã triển khai, phối hợp với các địa phương trên toàn quốc và các Hiệp hội DN.
DNNVV vẫn chưa được hưởng lợi nhiều
Tại Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, sau gần 9 tháng Luật có hiệu lực, vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cơ bản các nhiệm vụ giao các bộ ngành, địa phương đều được triển khai quyết liệt, song trong quá trình triển khai vẫn còn một số chính sách chưa được các cơ quan thực thi Luật tại địa phương áp dụng đầy đủ đối với DN.
Theo ông Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, có 2 nguyên nhân chính khiến số DNNVV chưa tiếp cận được với Luật này nhiều như kỳ vọng: Thứ nhất, DN không biết có chính sách này, lý do có thể DN không chủ động tìm hiểu, nhưng lý do chính là các cơ quan đầu mối hỗ trợ DN, đặc biệt ở địa phương không chủ động tuyên truyền đủ mạnh để DN biết và hiểu được chính sách. Nguyên nhân tiếp theo là DN không còn niềm tin để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bởi ngại các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê như trước đây.
Cần sự phối hợp đồng bộ và toàn diện hơn
Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, các cơ quan nhà nước vẫn phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo các chính sách ban hành sát với nhu cầu của DN, mặt khác, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn thông tin về các chính sách này đến DN. Đồng thời phải làm sao để các chính sách này đủ thân thiện để các DNNVV có thể tiếp cận các chính sách một cách dễ dàng.Bởi nếu một số DN nhận được hỗ trợ có hiệu quả thì sức lan tỏa của chính sách này sẽ là rất lớn. Đây là cách làm sâu sát, hiệu quả nhất vàcũng là bước đột phá trong khâu thực thi.
Về phía các DN cần xác định rõ nhu cầu cần hỗ trợ của mình là gì,chủ động tìm hiểu về các chính sách. Bởi nếu DNNVV biết cách tận dụng những chính sách hỗ trợ này thì sẽcó thể tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng khả năng bứt phá, từ đó nâng cao được tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước.
Đích đến của Luật này là làm sao cho các DNNVV được hoạt động trong một môi trường kinh doanh tốt và có các hỗ trợ cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Đây là đạo luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống để có thể triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các nội dung hỗ trợ.Tuy nhiên, để hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu của DN, các cơ quan nhà nước cần đi sâu đi sát, hiểu được nhu cầu thực sự của DN, đồng thời, thay đổi cách hỗ trợ, tránh sự hỗ trợ chung chung làm DN không thể tiếp cận, có như vậy thì các chính sách hỗ trợ mới thực sự đi vào cuộc sống./.
Quỳnh Anh