Thứ Sáu, 22/11/2024 16:30:38 GMT+7
Lượt xem: 3735

Tin đăng lúc 28-10-2016

Để doanh nghiệp Việt không bị thua trên “sân nhà”

Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cùng sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, khiến dư luận dấy lên câu hỏi: Ngành Bán lẻ Việt Nam sẽ ra sao và doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ “sống” như thế nào?
Để doanh nghiệp Việt không bị thua trên “sân nhà”
Các DN bán lẻ trong nước nỗ lực vượt qua thách thức

Tác động của làn sóng M&A đến thị trường bán lẻ Việt Nam

 

Xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) là hoạt động phổ biến trên thế giới nhiều năm nay. Tại Việt Nam (VN) vài năm trở lại đây, xu hướng này được nhiều người biết đến một cách rộng rãi trên nhiều thị trường, trong đó có thị trường bán lẻ. Theo các chuyên gia, việc toàn cầu hóa để hòa nhập thì mua bán sáp nhập là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh VN đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc giúp ngành bán lẻ VN có thêm cơ hội như học hỏi kinh nghiệm, công nghệ hiện đại, nhân lực giỏi, thì xu hướng M&A cũng làm tăng thêm áp lực cạnh tranh trực tiếp cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam.

 

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bán lẻ VN: Hướng đi nào cho DN nội địa” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia cho rằng, với quy mô dân số hơn 90 triệu người, cùng tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số, thị trường bán lẻ VN còn quá nhiều hấp dẫn. Đây chắc chắn sẽ luôn là mối quan tâm thu hút của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì tiềm năng như vậy cùng với xu thế hội nhập toàn cầu nên trong những năm qua, ngành Bán lẻ VN đã chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Đây được ví như một làn sóng đang quét qua thị trường bán lẻ VN.

 

Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon với Trung tâm thương mại (TTTM) Celadon Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) có tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ yên. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tập đoàn này sẽ mở 20 Trung tâm thương mại (TTTM) quy mô lớn tại VN với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Tiếp đó là Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte Mart cũng khai trương TTTM thứ 8 quy mô lớn tại Hà Nội. Tập đoàn này đặt ra chiến lược đến năm 2020 sẽ có 60 TTTM tại VN với tổng vốn đầu tư lên đến 3,2 tỷ USD. Sau đó là Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry VN. Vào đầu năm 2015, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác của Thái Lan là Central Group đã công bố mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư Phát triển công nghệ và Giải pháp mới – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim – một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu VN. Đến đầu tháng 5/2016, cũng chính Central Group lại một lần nữa khuấy động thị trường VN khi thông báo đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị nổi tiếng ở VN là BigC từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra còn hàng loạt các thương hiệu khác của nước ngoài cũng đang hoàn tất thủ tục tiến quân vào VN vào đầu năm tới.

 

Berli Jucker Plc của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại chuỗi siêu thị MetroCash&Carry VN

 

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, các Tập đoàn bán lẻ của nước ngoài đều đã có những kế hoạch dài hơi cho việc mở rộng và phát triển tại thị trường VN. Nếu kênh mua bán của VN nằm trong tay các DN nước ngoài, chắc chắn nguồn hàng sẽ bị ảnh hưởng, bởi những nhà bán lẻ này sẽ có chính sách ưu tiên cho nguồn hàng của nước họ phát triển ở thị trường VN. Bên cạnh đó, năng lực cốt lõi về sự cạnh tranh của các DN Việt còn rất yếu trong khi các DN nước ngoài có nguồn lực rất lớn về tài chính, chiến lược kinh doanh bài bản,… nên nhiều khả năng các DN Việt sẽ bị xâm lấn, thậm chí thua trong cạnh tranh và hiển nhiên việc phá sản của các nhà sản xuất trong nước là điều khó tránh khỏi.

 

Giải pháp nào để các DN không bị mất chỗ đứng ngay trên “sân nhà”?

 

Có thể thấy, với hoạt động M&A, thị trường bán lẻ VN không còn là sân chơi riêng của các DN trong nước mà đã trở thành “mảnh đất” hấp dẫn các “đại gia” bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm gia tăng thách thức cho các DN bán lẻ nước ta. Vì vậy, nếu các DN Việt không có những chiến lược kinh doanh bài bản, phù hợp và khôn ngoan thì khả năng thua trên “sân nhà” sẽ là điều hiển nhiên.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể thắng lợi trong thị trường bán lẻ hiện nay thì không chỉ có giá cả, chất lượng mà cần cả thái độ phục vụ, dịch vụ sau bán hàng tốt và giữ uy tín thương hiệu. Bên cạnh đó, sự ủng hộ hàng Việt đến cùng của người tiêu dùng Việt và các nhà bán lẻ sẽ giúp các DN trong nước tồn tại được. Ngoài ra, cũng rất cần sự hỗ trợ, định hướng từ phía các cơ quan Nhà nước trong việc giúp DN Việt tiếp cận với hàng hóa nước bạn để có sự đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Bán lẻ VN thì cần có biện pháp bảo vệ các nhà bán lẻ trong nước để họ có cơ hội phát triển và tồn tại. Để làm được điều này, trước hết DN cần tìm chỗ đứng, tìm hướng đi cho mình, phải xác định mình là ai? Mình làm được gì? Bên cạnh đó, các DN cũng không thể đơn độc mà chiến thắng được mà cần phải có sự liên kết thông minh và cụ thể với nhau. Việc liên kết cũng không chỉ bó hẹp ở phạm vi với DN trong nước mà còn phải nâng cao hợp tác quốc tế. Bản thân Hiệp hội Bán lẻ cũng đang cố gắng hợp tác với Hiệp hội các nước để có cơ hội phát triển ra thị trường nước ngoài.

 

Theo công bố mới đây từ một Công ty nghiên cứu thị trường của Đức cho biết, năm 2015, thị trường bán lẻ VN đạt doanh thu trên 100 tỷ USD, dự kiến năm 2016 sẽ cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy các DN bán lẻ VN cần tạo sự liên kết chặt chẽ, tích cực, chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài và hơn thế nữa là không để bị thua ngay trên “sân nhà”./.

 

Như Quỳnh (tổng hợp)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang