Cuộc cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với hàng nhập khẩu từ nước ngoài và hàng của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Hàng Việt Nam phải đối mặt với nhiều trở ngại trong trong việc tiêu thụ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sau 7 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện có tới 92% người tiêu dùng quan tâm đến hàng sản xuất trong nước. Tại kênh bán lẻ hiện đại, hàng Việt trong siêu thị chiếm tới 85 - 95% thị phần, trong đó, nhiều nhất là Co.opmart, Big C, Mega Market, thương hiệu siêu thị của nhà đầu tư Thái Lan BJC cũng có tỷ lệ hàng Việt cao.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước với sản phẩm nước ngoài vào kênh phân phối hiện đại đang ngày càng gay gắt. Điều đáng nói, đã có những mặt hàng trong nước phải rời khỏi siêu thị do không cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, hoặc doanh nghiệp trong nước tự rút lui, nhường lại thị trường bán lẻ hiện đại cho các mặt hàng của các “đại gia” bán lẻ nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Tân Quang Minh (nước giải khát Bidrico), để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài thì cần chủ động làm cho doanh nghiệp mạnh lên với các chiến lược phân phối sản phẩm, truyền thông thương hiệu… tại các kênh bán lẻ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để bán sản phẩm với giá cả hợp lý trên thị trường. Với giá bán hợp lý, hàng Việt sẽ có đủ điều kiện để tham gia vào các hệ thống phân phối.
Đến năm 2018, khi hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam thuế suất bằng 0% và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì hàng hóa thương hiệu Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành. Cùng với đó, trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị phần lớn nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, mặc dù các nhà bán lẻ trong nước đã nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối hiện đại, tuy nhiên, hiệp hội vẫn lo ngại trước sự phát triển dài hơi và cạnh tranh khốc liệt của các hệ thống phân phối nước ngoài, do đó hàng Việt cần có sự thay đổi, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng với nhiều hình thức khác nhau…
Bà Loan cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung quảng bá, truyền thông thương hiệu, thu hút khách hàng… chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống bán lẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới vấn đề chiết khấu, tạo sự công bằng bình đẳng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng./.
Nguồn VOV