Vợ chồng anh Nguyễn Văn Khởi và chị Nguyễn Thị Bình - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Bình Khởi ở xã Nhật Tân (Kim Bảng) được chứng nhận là 2 trong số 40 thợ giỏi ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2017. Sản phẩm "Tựa vách ghế Tùng Lộc" của vợ chồng anh Khởi cũng được chứng nhận là 1 trong 6 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017.
Chia sẻ với chúng tôi cảm nhận của mình, anh Khởi không giấu được niềm vui: Đối với những người thợ, được công nhận trình độ là yếu tố đặc biệt quan trọng để khẳng định tay nghề. Thợ có tay nghề tốt thì sẽ làm ra những sản phẩm chất lượng cao. Được chứng nhận là thợ giỏi, đối với tôi, đây là sự động viên, khích lệ rất lớn trong việc sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới ngày một tốt hơn.
Anh Khởi là con nhà nòi trong nghề đục, chạm. Làm mộc từ khi bước vào tuổi 13, đến nay đã 24 năm, anh Khởi hiểu rõ những yếu tố cần có của một người thợ. Để trở thành thợ giỏi, không chỉ có đục, chạm thành thạo, mà người thợ cần có sự sáng tạo bền bỉ.
"Giống như những người làm công việc điêu khắc, những người thợ giỏi phải biết sáng tạo mẫu hoa văn trên sản phẩm, cần có đôi tay khéo để tạo ra những đường nét, hoa văn chân thực, sống động và tinh tế", anh Khởi chia sẻ.
"Tựa vách ghế Tùng Lộc" là một trong nhiều chi tiết để làm ra bộ ghế vách. Riêng "Tựa ghế vách Tùng Lộc" có nhiều chi tiết nhỏ. Cây tùng, con hươu, chữ thọ là những chi tiết chính, được gắn kết hài hòa, giống như một bức tranh gỗ. Bộ ghế vách của cơ sở sản xuất đồ gỗ Bình Khởi là một trong những sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là những sản phẩm chất lượng, có khả năng phát triển và mở rộng thị trường. "Tựa ghế vách Tùng Lộc" bảo đảm được tiêu chí này. Năm 2017 là lần thứ 2 tiến hành chọn lựa và công nhận các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu.
Tham gia bình chọn sản phẩm lần này có 18 bộ hồ sơ của 11 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, thuộc 3 nhóm: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm chế biến nông sản, đồ uống và các sản phẩm khác.
Căn cứ vào các tiêu chí về đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chí văn hóa, thẩm mỹ và các tiêu chí khác, Ban giám khảo đã chọn 6 sản phẩm tiêu biểu, đề nghị UBND tỉnh công nhận. Ngoài "Tựa ghế vách Tùng Lộc", còn có 5 sản phẩm khác, bao gồm: Thuyền gỗ mỹ thuật, bình cắm hoa tranh Đông Hồ, bồn tắm gỗ, bom rượu gỗ sồi, thùng rượu gỗ sồi.
Năm 2017, bên cạnh việc bình chọn các sản phẩm, có 40 thợ giỏi thuộc các nghề: thêu ren, làm trống, dệt lụa, gốm, sừng mỹ nghệ, chạm đục ở nhiều làng nghề trong tỉnh đã được tôn vinh. Kể từ năm 2004 đến nay, có 7 lần xét công nhận các danh hiệu này. Đã có 195 nghệ nhân, thợ giỏi và người có công đưa nghề mới về tỉnh đã được công nhận, vinh danh; trong đó có 20 nghệ nhân, 173 thợ giỏi.
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm qua, hoạt động giới thiệu, công nhận nghệ nhân, thợ giỏi và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh luôn được quan tâm. Mục đích nhằm khích lệ, động viên các cá nhân, tập thể tâm huyết giữ nghề truyền thống. Họ là những người có tâm, có trí, có bề dày kinh nghiệm và khả năng sáng tạo cao, đã cho ra đời những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Nhiều làng nghề đang thiếu lao động trẻ, lao động ở làng nghề đang bị già đi. Việc sáng tạo những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh rất khó khăn. Thu nhập của người lao động từ nghề truyền thống thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác, nên cũng khó thu hút được đội ngũ thợ giỏi tâm huyết tham gia làm nghề.
Những khó khăn và thách thức trên đang làm cho nhiều làng nghề bị mai một. Trong khi đó, nghề mới khó đưa về làng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành nghề ở nông thôn. Làng nghề đang rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Việc tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn chính là làm thế nào để phát huy vai trò của đội ngũ này. Ông Nguyễn Văn Hán, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Nghệ nhân, thợ giỏi chính là tài sản của mỗi làng nghề. Chất lượng tài sản càng cao thì làng nghề sẽ có nhiều sản phẩm tiêu biểu.
Để phát huy những giá trị đó, thời gian tới, Sở Công Thương có kế hoạch tổ chức hội thi thợ giỏi, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân kế cận; lập đề án khuyến công hỗ trợ phát triển các sản phẩm cho làng nghề. Đồng thời, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân, thợ giỏi; hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi thành lập doanh nghiệp làng nghề; tạo điều kiện cho họ tham gia các hội chợ, các cuộc thi khác và lập hồ sơ đề nghị công nhận các danh hiệu phù hợp...
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ sẽ góp phần khuyến khích đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục tham gia làm nghề, gìn giữ những giá trị của làng nghề và làng nghề truyền thống.
Nguồn Báo Hà Nam