Đã có những thời điểm, nhiều nước tổ chức gom hàng loạt mặt hàng đồ chơi trẻ em được sản xuất bằng nhựa, kim loại bị nhiễm hóa chất độc hại do Trung Quốc sản xuất. Hay điển hình còn phải kể đến vụ sữa có Melamine xảy ra vào năm 2009 đã gây “choáng váng” cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, các đại lý tiêu thụ sữa của Trung Quốc bị lao đao và thực tế thì Trung Quốc cũng đã cho đình sản xuất hàng loạt loại sữa có nhiễm Melamine và khởi tố tống giam những kẻ làm ăn bất nhân.
Cái thời dân ta háo hức đổ xô đi chợ đường biên khuân hàng Trung Quốc về dùng cũng đã giảm nhiệt do chăn màn, quần áo mặc vào gây ngứa, nổi mẩn, rồi hoa quả hàng tuần không cần bảo quản vẫn tươi nguyên. Phù tạng động vật ngâm Formon, các loại hóa chất, phân bón, thuốc tăng trọng, giúp rau quả, lợn gà lớn nhanh như thổi trong vài ngày, vài tháng... bị báo, đài phanh phui đã phần nào khiến NTD Việt Nam cảm thấy ái ngại, nhưng tâm lý “sính ngoại”, ham rẻ, lời cao vẫn còn ngự trị ở không ít kẻ bán, người mua. Đi trên đường phố, vào các chợ ở các tỉnh, thành vẫn thấy bày la liệt hàng Trung Quốc. Có thể nói, hàng Trung Quốc đã đi vào ngóc ngách của đời sống dân sinh. Trước sự tràn ngập và sức hấp dẫn khó cưỡng của những mặt hàng mà dân ta quen gọi nôm na là hàng Tàu, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thiết lập hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu của quốc gia bên kia biên giới để tránh xảy ra thêm những hệ lụy khôn lường và quan trọng hơn còn là cân bằng kim ngạch thương mại đang nghiêng hẳn về phía họ. Song đáng tiếc, những ý kiến và biện pháp mà chúng ta đã ra tay cũng chỉ có thể áp dụng với con đường chính ngạch ở một mức độ nào đó và thực sự không hề đơn giản, còn đối với đường tiểu ngạch lại là cả vấn đề nan giải. Rất khó ngăn chặn đối với đội quân gùi hàng, luồn lách, trèo đèo, lội suối, băng rừng đưa hàng tới điểm tập kết, hoặc đưa thẳng đến nơi tiêu thụ.
Sản phẩm sữa Vinamilk được người tiêu dùng trong nước ưa thích
Nói như vậy chả lẽ không còn giải pháp nào căn cơ hơn?
Trong lúc chúng ta chưa thực sự có giải pháp hữu hiệu với hàng Tàu nhập lậu đường biên, thì mở cửa thị trường bán lẻ với thương mại thế giới theo cam kết với WTO là việc cần làm. Việc mở cửa thị trường bán lẻ không chỉ có lợi cho NTD, mà cho cả những nhà sản xuất nội địa có cơ hội khuyếch trương sản phẩm, thương hiệu. Hơn nữa, muốn tồn tại để phát triển thì chỉ còn đường duy nhất là các nhà sản xuất nội địa phải cạnh tranh quyết liệt mà thôi.
Trong lúc rất nhiều NTD đang “ngoảnh mặt, quay lưng” với hàng Tàu kém chất lượng thì hàng nội địa nếu biết khai thác tốt thị trường trong nước ắt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Bên cạnh đó để loại bỏ được tâm lý “sính ngoại” đã ăn sâu vào tiềm thức của NTD, thì hàng nội phải đạt được các tiêu chí về hình thức, chất lượng, tiện ích sử dụng, an toàn và giá thành phải đủ sức cạnh tranh. Có như vậy, hàng nội mới chinh phục được người tiêu dùng./.
Anh Thư