Doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp là một DN mới thành lập, hoặc đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới với mục đích nhanh chóng xây dựng thành một tổ chức/DN đạt quy mô, có khả năng nhân rộng tại các thị trường khác nhau sử dụng yếu tố công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, vẫn chưa có tiêu chí xác định khi nào DN hết được gọi là khởi nghiệp mà chủ yếu phụ thuộc vào bản thân chính DN tuyên bố không còn coi mình là khởi nghiệp.
Những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển, như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công...
Tại Nghị quyết số 01 năm 2016, Chính phủ đã lần đầu tiên yêu cầu phải “hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, như: Vườn ươm DN, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp”.
Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên khi Chính phủ mới kiện toàn ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định quan điểm: "Đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp". Đến tháng 10/2016, trong bài phát biểu tại lễ phát động chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016-2021 và Ngày hội Thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh: "Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này".
Thực tế đúng như lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ.
Trong năm 2016, việc thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 với yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký DN còn 3 ngày đã được thực hiện tốt. Hiện nay, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới của cả nước được rút xuống chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký DN là 2,05 ngày. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký DN qua mạng điện tử theo yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2016 về Chính phủ điện tử.
Trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cập nhật ứng dụng cho phép thực hiện đăng ký DN trực tuyến với hơn 100 quy trình cấp độ 3 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 4…
Nhờ đó, công tác đăng ký kinh doanh đã trở thành một lĩnh vực có chỉ số cải cách cao nhất trong các thủ tục hành chính cho DN theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 được công bố vào tháng 3/2016.
Cũng trong năm 2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 (đây là Nghị quyết 19 lần thứ 3, Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành từ năm 2014) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ chưa đầy một tháng sau, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 sẽ thành lập được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là một trong những điểm ấn tượng nhất với cộng đồng khởi nghiệp trong năm 2016.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định về Quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện Việt Nam đã có hệ thống pháp lý về quỹ đầu tư, trong đó có quỹ tư nhân và quỹ đại chúng. Đây là tiền đề quan trọng, dựa trên đó có thể thay đổi, bổ sung một số điểm để hình thành khung pháp lý liên quan đến quỹ cộng đồng, quỹ mạo hiểm và một cơ quan chuyên nghiệp quản lý quỹ…
Nhờ những chính sách cởi mở đó, số DN thành lập mới năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, với 110.100 DN, tăng 16,2% so với năm 2015. Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động là 26.689 DN, tăng 43,1% (theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 2016).
Bên cạnh đó, năm 2016 cũng chứng kiến nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, như: Tiki, Lozi, Cốc Cốc… cũng tạo được niềm tin, sự lạc quan và truyền cảm hứng cho nhiều nhà khởi nghiệp trẻ tuổi.
Còn nhiều rào cản
Tuy nhiên, khởi nghiệp không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp, họ phải hội tụ đủ một loạt những yếu tố cần thiết, bao gồm: công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn và cả những kiến thức về DN cũng như pháp luật.
Cụ thể, nếu ý tưởng được phát triển một cách bản năng, ngẫu hứng mà không có kế hoạch cụ thể theo lộ trình thì chắc chắn dự án sẽ thất bại hoặc không đạt được sự thành công như kỳ vọng. Bên cạnh đó, khởi nghiệp không phải lúc nào cũng đi theo đúng lộ trình như kỳ vọng, đòi hỏi người làm khởi nghiệp luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để đối phó các tình huống có thể xảy ra, tránh tình trạng "chết trước bình minh, "chết yểu" trước ngưỡng cửa thành công.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, hằng năm, có hơn 1.000 DN khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Tuy nhiên, DN “sống sót” sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% .
Những rào cản mà DN khởi nghiệp có thể gặp phải trước hết là hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt.
Hai là, khó khăn về vốn. Với đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ, đây vẫn là trở lực lớn nhất cho quá trình khởi nghiệp. Chính vì vậy, các DN thường liên kết với nhau để khởi nghiệp, để tranh thủ khả năng huy động vốn đến từ nhiều người. Các “nhà đầu tư thiên thần”; các quỹ đầu tư Accelerator (vốn mồi) thường không muốn tham gia giai đoạn đầu vì rủi ro cao và chi phí quản lý gia tăng do phải tăng cường nhân sự cho những khoản đầu tư nhỏ này.
Ba là, các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Phần lớn các vườn ươm DN công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Vấn đề pháp lý và thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến DN chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi DN khởi nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh… Thực tế này có thể không khuyến khích các DN tham gia vườn ươm, mặc dù nhu cầu tham gia ươm tạo là tương đối lớn và không thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Một số giải pháp cần lưu ý trong thời gian tới
Thứ nhất, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để hỗ trợ các DN nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng thành công trong hội nhập kinh tế trước những cạnh tranh gay gắt hiện nay. Điều này bảo đảm cho việc phát triển các thị trường yếu tố sản xuất một cách lành mạnh, linh hoạt, giảm thiểu chi phí giao dịch, nhất là đối với thị trường bất động sản, thị trường tài chính...
Việt Nam cần phải bảo đảm môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin từ các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp biết để dễ dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cũng cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đã dành 1 chương cho DN khởi nghiệp, trong đó hoạt động khởi nghiệp được đưa vào và hình thành quy định cụ thể. Dự thảo Luật này đã được trình Quốc hội cho ý kiến, cộng đồng DN đang mong Luật này được thông qua sớm để các DN khởi nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển.
Tuy nhiên, theo tôi, cần có chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Nếu cá nhân chỉ đơn thuần mở dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được tạo điều kiện thương mại thuận lợi, giảm chi phí, phiền hà về quy định hành chính. Đối với DN khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư chất xám, thì phải có chính sách hỗ trợ thiết thực, nếu gặp thất bại sẽ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp.
Thứ hai, cân nhắc xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung cung cấp vốn cho các DN khởi nghiệp, tách bạch với thị trường niêm yết có thể có lợi đặc biệt đối với nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam. Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho DN khởi nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn đặt ra ở mức thấp hơn.
Thứ ba, xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây là nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính để Nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ nhằm kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Quỹ đầu tư này sẽ được đăng ký hoạt động theo mô hình Công ty đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư. Phần lợi nhuận tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN khởi nghiệp, cũng như đầu tư trực tiếp cho DN khởi nghiệp tiềm năng.
Nhà nước góp vốn dưới dạng tài sản trí tuệ là thông tin về các kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa cao, mạng lưới các chuyên gia công nghệ và chuyên gia tư vấn khởi nghiệp trong nước, quốc tế; đồng thời, dưới dạng kinh phí dành cho hoạt động ươm tạo công nghệ từ các quỹ do Chính phủ quản lý. Nguồn vốn tư nhân đến từ các đơn vị tư nhân quản lý quỹ và từ nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư tư nhân khác.
Thứ tư, về phía doanh nghiệp. Một trong những việc cần làm đầu tiên để khởi sự thành lập 1 DN đó là hoạch định chiến lược kinh doanh, xây dựng đề án kinh doanh khả thi. Điều đầu tiên để có được đề án kinh doanh khả thi là học cách tổ chức sản xuất, học cách triển khai kinh doanh. Điều cốt lõi quan trọng nhất là sản phẩm sản xuất ra (dịch vụ, sản phẩm) đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nói gọn là sản phẩm sản xuất ra có người mua.
Nguồn Chinhphu