Từ khuyến khích “ưu tiên dùng hàng Việt”…
Cụ thể, có đến 80% người tiêu dùng được hỏi đã trả lời, họ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 67% cho rằng kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bản thân họ đã tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Và hơn một nửa số người khẳng định, họ thường khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam.
Bên cạnh kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2019 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội nêu trên, báo cáo của các Sở Công Thương cũng cho thấy, hiện hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80-90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)… Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị nước ngoài mở tại Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)…
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị phần, nhất là kênh bán lẻ hiện đại như các thương hiệu Saigon Co.opmart, Vinmart và Vinmart+... Đây là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Thậm chí, trong khó khăn do đại dịch Covid-19, khi các nước đóng cửa biên giới, tạm ngừng giao thương càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của hàng Việt và thị trường nội địa. Lúc này có thể thấy lợi ích song hành, tương hỗ cả với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Việt Nam đã chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ, xây dựng kịch bản đảm bảo nguồn cung hàng hóa đến 5 cấp độ. Do đó, dù kéo dài cách ly xã hội, tình hình giá cả, thị trường hàng hóa trong cả nước vẫn được điều tiết hợp lý, không xảy ra biến động lớn.
Cùng với việc làm thay đổi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, góp phần tạo nên những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng yêu thích, như: nước mắm Phú Quốc, nho Ninh Thuận, chè Thái Nguyên, bưởi Diễn, sữa Vinamilk, TH Truemilk…
Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Cụ thể, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%; tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm…
… đến tự hào dùng hàng Việt
Từ chỗ phải vận động để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đến nay, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam không những chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn xuất hiện trên nhiều kệ hàng ở nước ngoài. Đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt. Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Ước tính hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Hơn nữa, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm với khoảng 6-7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Để hàng Việt chinh phục thị trường
Hơn 10 năm từ khi triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng và uy tín thương hiệu hàng Việt. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn không ít mặt hàng chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và còn tình trạng gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt…
Với những hạn chế này, theo các nhà chuyên môn, việc vận động, kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ không dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hướng đến một nền kinh tế mở, dẫn đến việc thị trường trong nước bị chia sẻ, không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt. Do đó, đã đến lúc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”.
Năm 2020, tình hình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngay từ đầu năm, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn thế giới, trong đó có kinh tế Việt Nam. Chính vì thế, Bộ Công Thương đã và đang tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp Việt ứng phó với hậu quả do dịch bệnh gây ra.
Cũng từ năm 2020, chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức thường niên trên quy mô toàn quốc. Ngoài ra, 63 tỉnh và thành phố sẽ tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Các nhà quản lý đặt mục tiêu 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt là tăng thị phần hàng Việt Nam lên trên 90% qua các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trước những yêu cầu mới của thị trường, theo các chuyên gia, Việt Nam cần quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó phát triển sản xuất trong nước một cách bền vững, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng thời thực hiện hiệu quả các đề án phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Các doanh nghiệp cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn, để vừa chinh phục người tiêu dùng Việt, vừa vươn tới toàn cầu.
Ở trong nước, hệ thống phân phối chợ truyền thống hiện vẫn đảm nhiệm hơn 60% lượng hàng hóa trong tổng mức bán lẻ, vì thế cần nâng được lượng hàng thông qua việc phân phối ở hệ thống này. Có một thực tế là tại các chợ, việc truy xuất hàng hóa còn hạn chế; vẫn có lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo nhưng giá thành rẻ, gây cạnh tranh không lành mạnh với hàng Việt.
Do đó, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng nông thôn, nắm bắt nhu cầu và khả năng tài chính để sản xuất hàng hóa phù hợp, đánh bật hàng hóa trôi nổi ra khỏi chợ truyền thống. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng với sự nỗ lực của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng sẽ làm lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “tự hào hàng Việt Nam”, để “mỗi người Việt là một đại sứ hàng Việt” không chỉ là thông điệp, mà còn trở thành hành động, thói quen mỗi ngày.
Theo VietQ