Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thúc Đĩnh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định xung quanh sự kiện này.
PV: Bình Định được vinh dự đăng cai Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung trong tháng 8/2019, vậy xin ông cho biết ý nghĩa và quy mô của Hội nghị lần này?
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh: Đây là Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH vùng miền Trung, trong đó bao gồm cả nội dung về vai trò của Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung giai đoạn 2016-2018 và 06 tháng đầu năm 2019 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 5209/VPCP-KTTH ngày 13/6/2019). Hội nghị sẽ xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc, các thách thức đặt ra của Vùng để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ, thúc đẩy vùng miền Trung và vùng KTTĐ miền Trung tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tham dự Hội nghị với số lượng từ 500- 550 đại biểu: Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa vào Bình Thuận. Ngoài ra, còn có 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước, các hiệp hội, viện nghiên cứu và các trường đại học lớn cũng như các nhà tổ chức lập, xây dựng quy hoạch trong và ngoài nước.
PV: Ngoài những nội dung chính, đơn vị đăng cai tỉnh Bình Định còn có những nội dung hoạt động nào bên lề Hội nghị, thưa ông?
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh: Các hoạt động bên lề, gồm: Thủ tướng thăm gia đình chính sách và Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phù Cát; Trao giấy chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 3 địa phương là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn; Tham dự Lễ khánh thành Nhà máy điện Fujiwara tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
PV: Bình Định là tỉnh thuộc duyên hải, cũng là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, qua Hội nghị này, tỉnh có thể kỳ vọng gì để tạo cơ hội cho liên kết Vùng phát triển, thưa ông?
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh: Bình Định là tỉnh cực Nam của Vùng KTTĐ miền Trung, nằm gần trung điểm trên trục Bắc - Nam của cả nước. Với cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19, Bình Định là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Vì vậy, Bình Định có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH và củng cố quốc phòng, an ninh toàn vùng và cả nước. Trong đó, trục tiếp góp phần thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam của Vùng như Phú Yên, Khánh Hoà và các tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kom Tum, Đăk Lăk.
Tuy nhiên, để sớm đưa tỉnh nhà phát triển, Bình Định đã và đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng, đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp, đặc biệt là tìm hướng đi có tính đột phá phát triển logistics trên cơ sở lợi thế cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên, xây dựng hoàn thiện các khu đô thị khoa học, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI)… Đồng thời, muốn phát triển KT-XH bền vững, Bình Định và các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hoá, xã hội và phân công, hỗ trợ, bổ sung cho nhau những gì địa phương mình còn thiếu. Nếu xác định được hướng đi đúng đắn, phát huy được lợi thế, liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là được Trung ương hỗ trợ kịp thời, đúng mức về cơ chế, chính sách và nguồn vốn thì sẽ sớm phát triển đột phá, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.
PV: Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch – đầu tư ở địa phương, ông có đề xuất, tham mưu gì để KT-XH của tỉnh bứt phá, tăng tốc, thưa ông?
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh: Theo tôi, thứ nhất, cần sớm triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, trong đó làm rõ định hướng, phương án phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, vùng duyên hải miền Trung gắn với Tây Nguyên, phù hợp với các quy hoạch quốc gia, trên cơ sở đó các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ, gắn kết vùng và cả nước. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các địa phương trong vùng, trong đó đặc biệt lưu ý tiềm năng phát triển cảng biển, sân bay, du lịch, logistics, kinh tế biển, đào tạo nguồn nhân lực…
Hai là, cần sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam trong đó có đoạn Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh duyên hải. Đồng thời, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), do đó cần đầu tư tuyến cao tốc nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, trước mắt là đoạn Bình Định – Gia Lai.
Ba là, cần sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển; hỗ trợ vốn phù hợp với khả năng của địa phương, đảm bảo khả thi việc triển khai đầu tư xây dựng; hỗ trợ địa phương xây dựng Cảng cá, nhằm đẩy mạnh phát triển thủy sản, đảm bảo an toàn cho cho ngư dân và phương tiện đánh bắt, vận chuyển trong điều kiện thiên tai bão lũ thường xuyên của miền Trung.
Cụ thể, tỉnh Bình Định kiến nghị: Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040, với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 14.308 ha, phần diện tích bổ sung 2.308 ha được dành để đầu tư Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định, để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương hoàn thành các thủ tục đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án có quy mô lớn để tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hai là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát từ cảng hàng không nội địa thành Cảng hàng không quốc tế để đáp ứng công suất 1,5 triệu hành khách/năm, nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Bình Định.
Ba là, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với địa phương cho ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì – Quy Nhơn tạo điều kiện để tỉnh Bình Định triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được duyệt; mở rộng không gian đô thị, chấm dứt ách tắc và giảm thiểu tai nan giao thông cho thành phố Quy Nhơn.
Bốn là, để các Dự án Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Khu đô thị Khoa học Long Vân là các khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước sớm đi vào hoạt động, trở thành điểm đến đặc trưng của Việt Nam về khoa học, giáo dục và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch khoa học Bình Định đối với du khách trong nước và trên thế giới, đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút, phát triển nguồn nhân lực, cho hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, tiền thuê đất như đối với khu công nghệ cao; đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các khu đô thị khoa học này cũng như trên địa bàn tỉnh Bình Định.
PV: Xin cám ơn ông!
Văn Thuận (Thực hiện)