Thứ Tư, 27/11/2024 00:45:22 GMT+7
Lượt xem: 1782

Tin đăng lúc 20-06-2020

Để Vietnam Airlines vững vàng cất cánh

Giữa tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố kế hoạch tham gia đầu tư vốn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA). Cùng thời điểm, hãng hàng không quốc gia này cũng thông tin rằng, đến hết năm 2020, đơn vị có thể sẽ lỗ hơn 15.000 tỷ đồng. Nếu không được Chính phủ hỗ trợ, đơn vị sẽ cạn dòng tiền vào tháng 8/2020.
Để Vietnam Airlines vững vàng cất cánh
Doanh thu năm 2020 của VNA sụt giảm 50.000 tỷ đồng do dịch Covid-19

Khủng hoảng vì dịch bệnh

 

Theo số liệu báo cáo về tình hình tài chính của VNA, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hãng hàng không này đang lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng dòng tiền kinh doanh.

 

Cụ thể, trong các tháng 2 và 3/2020 do phải hoàn vé cho các khách hàng đã đặt mua vé trước dịch Covid-19, VNA đã phải chi ra khoảng 4.400 tỷ đồng. Việc phải chi đột ngột số tiền lớn này cộng với việc phải bỏ ra mỗi tháng 2.100 tỷ đồng để thuê, khấu hao, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay và trả lương công nhân đã khiến doanh thu của VNA sụt giảm 50.000 tỷ đồng so với kế hoạch kinh doanh đặt ra hồi đầu năm.

 

Theo tính toán của VNA, với hơn 100 máy bay bị tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350. Mỗi tháng, tiền thuê một chiếc máy bay loại này vào khoảng 1 triệu USD. Như vậy, với riêng đội máy bay này, mỗi tháng VNA phải chi gần 30 triệu USD (tương đương 690 tỷ đồng). Ngoài ra, VNA còn 76 máy bay A321, tiền thuê mỗi chiếc trung bình trên thị trường khoảng 300.000 USD/tháng (tương đương 6,9 tỷ đồng). Nếu tất cả các máy bay đều phải ngưng hoạt động, đến cuối năm 2020, sau khi cắt giảm các chi phí, đơn vị sẽ lỗ khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

 

Để hạn chế chi phí và lỗ lớn phát sinh, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán kiêm Kế toán trưởng VNA cho biết, ngay từ đầu năm đơn vị đã cắt giảm khoảng 4.300 - 4.500 tỷ đồng chi phí lương phi công, tiếp viên... Ngoài ra, từ tháng 2/2020, VNA cũng đã đàm phán với các đối tác giãn nợ, hỗ trợ để giữ dòng tiền. Có đối tác giảm cho hãng hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuê máy bay năm nay. Tuy nhiên, hiện nay quỹ tiền mặt dự trữ (khoảng 3.500 tỷ đồng của VNA đã cạn kiệt. Trong tháng 5 và đầu tháng 6/2020 mặc dù các chuyến bay nội địa của VNA đã được khôi phục nhưng doanh thu bình quân vẫn giảm 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Với tình hình tài chính hiện tại VNA dự kiến thiếu hụt dòng tiền khoảng 15.000 tỷ đồng. “Nếu không được Chính phủ hỗ trợ, thì đến tháng 8/2020, VNA sẽ cạn tiền”, ông Hiền nói.

 

Cần cân nhắc kỹ các phương án

 

Để khôi phục hoạt động kinh doanh, cân bằng nguồn tài chính và giảm thua lỗ nguồn vốn Nhà nước tại VNA, Ủy ban quản lý vốn nhà nước (CMSC - đơn vị đang quản lý phần vốn Nhà nước tại VNA) đã trình Chính phủ phương án cho hãng hàng không này vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng, lãi suất 0%. Trường hợp không thực hiện được, đề nghị Nhà nước cho phép VNA vay vốn của các NHTM với lãi suất 0% trong thời hạn 3 năm. Phần Nhà nước hỗ trợ cho VNA thông qua bù lãi suất sẽ được tính thành vốn Nhà nước bổ sung tại hãng, chuyển đổi sang cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng.

 

Những đề xuất của CMSC mặc dù chưa được Chính phủ chấp thuận, nhưng mới đây SCIC đã chính thức lên tiếng sẽ đầu tư vào hãng hàng không này hàng nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của SCIC và VNA đây có thể là cửa sáng để hãng hàng không quốc gia tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên ngay cả ý định đầu tư của SCIC cũng không nhận được nhiều đồng thuận.

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển (TP.HCM) cho rằng, mặc dù việc góp thêm vốn từ SCIC sẽ giúp VNA giải tỏa được mối lo về tài chính và giảm tránh nguy cơ bị các đối tác đầu tư nước ngoài thâu tóm, chi phối. Tuy nhiên, cần phải làm rõ mục tiêu của SCIC khi đầu tư vào VNA là như thế nào? Hiện phần vốn Nhà nước tại VNA do CMSC quản lý. Vậy khi SCIC rót thêm “hàng ngàn tỷ đồng” thì có được xem như một quỹ tài chính khi tham gia đầu tư vào VNA hay không?

 

“Trong trường hợp này, vai trò của SCIC khi tham gia vào ban lãnh đạo hội đồng quản trị của VNA sẽ như thế nào, nhất là khi phối hợp với các cơ quan chủ quản của VNA là các Bộ GTVT ra sao? Tất cả những ý này cần được làm rõ” – ông Hiển nêu quan điểm.

 

Ở phía SCIC, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV cũng cho rằng, hiện nay theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thì VNA không thuộc lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư thêm vốn. Vì vậy, nếu SCIC muốn tham gia góp thêm vốn Nhà nước vào VNA thì đơn vị cần được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA thay cho CMSC. Vì khi được giao nhiệm vụ này thì hoạt động đầu tư của SCIC mới không bị vướng bởi quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và Nghị định 32/2018.

 

Tuy nhiên, theo TS. Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP.HCM) hiện nay SCIC là doanh nghiệp “thuộc quyền quản lý” của CMSC nên về bản chất hai đơn vị này là một. Vì vậy, đối với phương án phát hành thêm cổ phiếu mà nhà đầu tư là Nhà nước thì dù là SCIC hay CMSC thì cũng đi ngược chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và không nên thực hiện.

 

Riêng về các phương án vay, ông Trí cho rằng VNA có thể thực hiện bút toán vay cổ đông (tức là vay Chính phủ) hoặc vay ở các định chế tài chính khác có Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, các phương án vay kể cả vay trực tiếp hay có bảo lãnh của Chính phủ thì cũng cần được xem xét ở góc độ tất cả các DN hàng không chứ không chỉ riêng VNA để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh. Và về dài hạn thì Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn xuống dưới 60% nhằm đa dạng hóa chủ sở hữu và giảm thiểu rủi ro mất vốn Nhà nước.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang