Thứ Hai, 07/07/2025 15:56:27 GMT+7
Lượt xem: 351

Tin đăng lúc 07-07-2025

Khó trăm bề, doanh nghiệp gỗ ứng phó linh hoạt trước biến động thị trường

Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ các cuộc chiến khu vực và chính sách bảo hộ thương mại. Để ứng phó với những biến động thị trường thế giới, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Hòa Kỳ để tháo gỡ vướng mắc... Ngoài ra, tích cực tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng các thị trường truyền thống để mở rộng thị trường.
Khó trăm bề, doanh nghiệp gỗ ứng phó linh hoạt trước biến động thị trường
Hiệp hội, DN ngành gỗ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đã và đang tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Hòa Kỳ để tháo gỡ vướng mắc cho ngành gỗ. Đồng thời, tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng các thị trường truyền thống để mở rộng thị trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 8,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng thời điểm này xảy ra nhiều biến động lớn, từ tình hình chính trị thế giới, đến chính sách thương mại riêng của các thị trường, khiến cho ngành gỗ khó có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu như đã đề ra.

Đối diện nhiều thách thức

 

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong 7 nhóm hàng đem lại kim ngạch lớn nhất (chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu). Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 23,5%).

 

Khó khăn đã được lường trước, vì mặc dù sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu ra 160 thị trường, nhưng chủ yếu vẫn là 5 thị trường chính, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, trong đó, Mỹ là thị trường chủ đạo, chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 (9,4 tỷ USD trên 17 tỷ USD).

 

Đáng nói, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi động điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán Việt Nam, làm cho hơn 130 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam rơi vào danh sách điều tra. Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đặt mục tiêu xuất khẩu cho toàn ngành gỗ là 18 tỷ USD.

 

Không riêng thị trường Mỹ có những quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam, thị trường châu Âu cũng có diễn biến tương tự với nhiều quy định khác như Quy chế sản phẩm không phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD). Với thị trường Nhật Bản có thêm những quy định về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng, thay đổi trong chính sách giá điện… cũng tác động đến ngành hàng viên nén gỗ.

 

Trước bối cảnh này, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng đi mới, không chỉ để duy trì sự phát triển toàn ngành mà còn định vị lại vị thế ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

 

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, ngay từ đầu năm 2025, các chính sách thương mại của nhiều quốc gia có sự thay đổi lớn. Dù các sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Nên sự biến động các chính sách của thị trường này sẽ có tác động lớn đến ngành gỗ Việt Nam.

 

Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long cũng bày tỏ, ngành gỗ còn đang phải "vật lộn" với bài toán nguyên liệu đầu vào và cạnh tranh, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện đang tăng do nguồn cung bị hạn chế.

 

Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước cung cấp lớn khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia vốn là những nước xuất khẩu gỗ lớn, có lợi thế về công nghệ và chi phí.

 

Nỗ lực tìm cách tháo gỡ

 

Để ứng phó với những biến động thị trường thế giới của ngành gỗ, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp đang chuẩn bị tham gia các cuộc điều trần nếu phía Hoa Kỳ yêu cầu, nhằm chứng minh ngành gỗ Việt Nam chỉ mang tính bổ trợ, không gây hại cho sản xuất nội địa của Mỹ. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cũng đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Hòa Kỳ để tháo gỡ vướng mắc.

 

Trao đổi với  VNBusiness, ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, trong vòng 5 năm qua, ngành chế biến gỗ đã 3 lần bị phía Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, nhưng cả 3 lần điều tra, mặc dù đã “soi” rất kỹ, nhưng không tìm ra bằng chứng, nên phía Mỹ không áp đặt thuế phòng vệ thương mại đối với hàng đồ gỗ của Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác rất chặt chẽ với đoàn kiểm tra, có đầy đủ giấy tờ xác nhận nguồn gốc xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu. Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp quản lý minh bạch, có đầy đủ giấy tờ cần thiết, đảm bảo độ tin cậy của chuỗi cung ứng, mỗi lần gặp các cuộc điều tra từ bất cứ đối tác nhập khẩu nào, doanh nghiệp cũng vượt qua.

 

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, ngành công nghiệp chế biến gỗ rất nhạy cảm vì liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, biến đổi khí hậu. Hoạt động trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm, nên khó khăn là thường xuyên. Vì vậy, các doanh nghiệp phải hướng tới chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh...

 

“Mỹ có thể áp mức thuế suất đối với đồ gỗ của Việt Nam cao hơn trước, nên cần chỉnh đốn đội ngũ, sốc lại tinh thần, tiếp thêm năng lực để tiếp tục tiến xa hơn. Chúng tôi có niềm tin rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục là nhà cung ứng gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ” - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam bày tỏ.

 

Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm lối ra bằng cách mở rộng thị trường, đặc biệt hướng đến các khu vực mới nổi và tiềm năng như Trung Đông nhằm giảm sự phụ thuộc và tăng khả năng chống chịu trước rủi ro từ các thị trường lớn.

 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu và Bắc Âu là những khu vực đang tăng trưởng nhanh về nhu cầu nội thất, gỗ xây dựng và sản phẩm chế biến sâu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng các thị trường truyền thống để mở rộng thị trường.

 

Bên cạnh đó, ngành gỗ cần hướng tới việc toàn bộ sản phẩm gỗ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp, đạt chứng chỉ rừng bền vững và hơn 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ phải đạt trình độ công nghệ tiên tiến.

 

Ngoài ra, theo Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc đàm phán FTA Việt Nam – Ấn Độ đang mở ra cơ hội giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 5%. Hơn nữa, có sự định hướng và hỗ trợ từ nhà nước, cùng sự phấn đấu của doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng đồng bộ để ngành gỗ Việt Nam không chỉ vượt qua được thời điểm khó khăn mà còn tạo ra những bức phá mới trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.

 

Theo vnbusiness.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang