Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân của cả nước, đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tổng vốn thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 147.052,781 tỉ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương: 104.954.010 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương: 10.016,719 tỉ đồng; vốn tín dụng chính sách: 19.727,020 tỉ đồng; vốn huy động khác: 12.355,033 tỉ đồng.
Theo Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Tăng Ngọc Tráng, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025.
Chương trình được kết cấu gồm 10 dự án thành phần, trong đó tên của các dự án, tiểu dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần làm rõ về kinh phí thực hiện Chương trình, khả năng cân đối nguồn lực, các dự án thành phần Chương trình, các giải pháp để thực hiện Chương trình khi được phê duyệt và cho rằng, để đảm bảo nguồn lực để thực hiện Chương trình, việc huy động ODA và các nguồn lực xã hội khác là cần thiết; Đồng thời, kiến nghị thành lập ban chỉ đạo chung của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để tránh trùng lắp, khi Chương trình được thực hiện cần yêu tiên triển khai các chính sách, sau đó mới rà soát bố trí vốn cho từng dự án cụ thể…
Theo Lao động