Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2014, ngành Dệt may Việt Nam đạt tăng trưởng khá tốt cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa với kim ngạch xuất khẩu hơn 24 tỷ USD.
Riêng mặt hàng may mặc đạt trên 21 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2013, còn lại là giá trị xuất khẩu xơ sợi dệt (đạt trên 3 tỷ USD). Đây được coi là cơ sở cơ bản nhất để khẳng định dệt may vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2015.
Thị phần dệt may Việt Nam tại các thị trường chính (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) đều tăng trưởng tốt, nhất là tại thị trường Mỹ. Năm 2014, chỉ có 3 quốc gia đạt tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam (tăng 12,5%, đứng thứ 2 trong số các nước XK vào Mỹ), các đối thủ cạnh tranh còn lại (Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia và Myanmar) đều giảm so với năm trước.
Cũng trong năm 2014, dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 ở thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas), Tổng Giám đốc Vinatex cho biết hiện nay, Việt Nam là quốc gia được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao tại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và các FTA chính là cơ hội để Dệt may Việt Nam chứng tỏ năng lực của mình.
Cũng theo ông Lê Tiến Trường, bằng những nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán các FTA, nhất là những hiệp định này đều liên quan trực tiếp đến các thị trường chính như Hiệp định TPP (có Mỹ và Nhật Bản) và FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, dù chưa có hiệu lực nhưng lại có sức hút lớn với đối tác khi họ quyết định chuyển đơn hàng từ những quốc gia không tham gia Hiệp định sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều DN lớn trong ngành như Phong Phú, Nhà Bè, Tổng công ty CP May Hưng Yên, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên)… từ cuối năm 2014 đã ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III/2015.
Đây là những thuận lợi căn bản để ngành Dệt may tiếp tục bứt phá, hướng mốc kim ngạch xuất khẩu đạt 28-28,5 tỷ USD trong năm 2015.
BT (theo Vinatex, Báo Đầu tư)