Tăng trưởng ấn tượng
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng trị giá 16 tỷ USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 274,6 triệu m2, tăng 9,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 525,9 triệu m2, tăng 22,1%; quần áo mặc thường ước đạt 2.305,5 triệu cái, tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Những thị trường trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU; đặc biệt Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là áo thun, áo jacket, áo sơ mi...
Năm 2017 ngành dệt may Việt Nam đã có đột phá với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng 14% trong 6 tháng đầu năm 2018 tạo cơ sở vững chắc để dệt may Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 33,34 tỷ USD thậm chí có thể lên tới 35 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc "từ sợi trở đi”.
Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ...
Thách thức không nhỏ
Việc Mỹ chính thức áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6/7 và ngay lập tức, Trung Quốc đã "trả đũa", khi quyết định cũng áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018.
Dệt may Việt Nam dù đang được đánh giá tốt cũng không dễ tạo sự đột biến ngay lập tức về gia tăng xuất khẩu, dù các quý III và quý IV hàng năm là cao điểm xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa thu - đông, dù theo lý thuyết, cơ hội để dệt may gia tăng xuất khẩu là có.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Garmex Sài Gòn lo ngại, hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) quý còn lại của năm 2018 và các năm tiếp theo, toàn ngành vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không tăng. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 - 2%, thậm chí là không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Một số khó khăn nữa mà toàn ngành dệt may đang gặp khó khăn đó là EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Myanmar… Mỹ áp dụng thuế suất ưu đãi 0% cho một số mặt hàng của Campuchia, trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 17,5% vào thị trường Mỹ, 9,6% vào thị trường EU.
Để phát triển ngành dệt may trong thời gian tới, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất.
Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.
Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may dù có thời điểm chững lại vào đầu năm 2017 khi Mỹ tuyên bố rời khỏi việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lý do chính là so với mặt bằng chung của một số nước trong khu vực thì giá sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn nhưng ngành dệt may Việt Nam có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao. Các DN có thể thực hiện các đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng nên đã quay trở lại Việt Nam.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển của Tổng công ty 28 cho biết, việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về dệt may ngoài tìm nguồn nguyên phụ liệu sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhiều công nghệ mới để đầu tư, thay thế trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó càng có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu vào EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ; giúp tăng doanh thu, lợi nhuận.
Theo Enternews