Thứ Sáu, 22/11/2024 00:55:56 GMT+7
Lượt xem: 3597

Tin đăng lúc 30-11-2023

Dệt Phú Thọ: Nỗ lực vượt khó, góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ Dệt May

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn (nhất là do hậu quả đại dịch Covid-19 và diễn biến kinh tế quốc tế bất ổn…), rồi thách thức của phát triển “xanh”, số hóa, nhưng không ít doanh nghiệp dệt may, phụ trợ dệt may đã nhờ đó mà được tôi luyện, khẳng định thương hiệu từ nỗ lực vượt khó. Công ty TNHH Dệt Phú Thọ là một trong những đơn vị phụ trợ như thế.
Dệt Phú Thọ: Nỗ lực vượt khó, góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ Dệt May
Khu vực sản xuất với công nghệ hiện đại của Dệt Phú Thọ

Công ty TNHH Dệt Phú Thọ được thành lập từ năm 2001 tại Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ dệt may với sản phẩm chính là sản xuất sợi cotton, với hơn 80% sản phẩm sợi cotton xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện năng lực sản xuất các nhà máy của Công ty có quy mô hơn 59.000 cọc sợi, có thể cung cấp 11.000 tấn sợi mỗi năm từ cotton, PE cho đến sợi pha (CVC, TCD) cho thị trường trong và ngoài nước.

 

Với bề dày trên 20 năm kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực kéo sợi, Công ty đã khẳng định được uy tín về chất lượng sản phẩm trên thị trường rộng khắp. Để có được uy tín và niềm tin ấy, hơn 20 năm qua, Công ty đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như: Đời sống kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, sức tiêu thụ thấp; giá nguyên liệu ngành Sợi dệt luôn biến động; cạnh tranh khốc liệt; áp lực cải tiến công nghệ sản xuất ngày càng lớn;… 

 

 

Một số sản phẩm sợi vải phục vụ ngành Dệt May của Dệt Phú Thọ

 

Đặc biệt, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, Dệt Phú Thọ đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian gần đây từ Đại dịch Covid-19 và các sự kiện toàn cầu, gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Công suất sản xuất đã phải giảm xuống 60% (một nhà máy sản xuất đã phải ngừng hoạt động từ cuối tháng 8 năm 2022). Tuy vậy, với quyết tâm vượt khó, nỗ lực không ngừng, Dệt Phú Thọ đã vượt qua khó khăn và quay trở lại sản xuất tối đa công suất của ba nhà máy từ cuối tháng 12/2022 đến nay. Đáng chú ý, với nhiều giải pháp linh hoạt, Công ty đã duy trì năng lực sản xuất ổn định; đảm bảo doanh thu bán hàng, kim ngạch xuất khẩu; đảm bảo đời sống, công việc cho CBCNV... 

 

Có được sự ổn định đó cũng là nhờ các cơ chế chính sách của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương, địa phương luôn tạo điều kiện để CNHT và ngành phụ trợ dệt may phát triển. Cụ thể, Công ty đã mạnh dạn tham gia chương trình vay vốn với hỗ trợ lãi suất (HTLS) từ ngân sách Nhà nước dành cho khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX), hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hướng dẫn các ngân hàng thương mại địa phương thực hiện. Theo quy định, để được vay vốn hỗ trợ lãi suất, Dệt Phú Thọ đã phải đáp ứng tốt mọi yêu cầu như: cần phải có phương án sản xuất, kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ, đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31 và quy định của từng ngân hàng. 

 

Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết: “Nhiều năm qua, cùng với nỗ lực của doanh nghiệp thì nguồn vốn cho vay của Vietinbank rất quan trọng đối với Công ty, đặc biệt là thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sau đó là giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhờ nguồn vốn vay đó mà Công ty đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới hiện đại, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường, duy trì việc làm cho người lao động... được đối tác tin cậy, đánh giá cao. Vì thế, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty phát triển, có khả năng trả nợ và đáp ứng đủ điều kiện được HTLS theo quy định. Bên cạnh đó, Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hoá về thủ tục để Công ty sớm được vay vốn và HTLS…”. 

 

Ngoài giải pháp trên, để vượt qua mọi khó khăn, Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV Dệt Phú Thọ luôn có sự đoàn kết nhất trí cao, tâm huyết vì mục tiêu phát triển chung của toàn Công ty. Hệ thống khách hàng truyền thống có uy tín và năng lực tài chính ổn định, hỗ trợ lẫn nhau trong quan hệ thương mại, mua bán. Qua đó, những năm qua, Công ty đã mở rộng hệ thống khách hàng, mở rộng sản xuất với Nhà máy 3, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao, tạo niềm tin cho khách hàng. Không những thế, đơn vị đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong các chương trình xây dựng, cải tiến năng suất, bảo trì năng suất toàn diện (TPM) và phát triển thương hiệu Dệt Phú Thọ, với việc thực hiện tốt quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, thay đổi cơ cấu sản phẩm hướng tới đáp ứng cho thị trường cao cấp, khẳng định chỗ đứng vững chắc của Dệt Phú Thọ trên thị trường. 

 

Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) ghi nhận, sự thành công này của Dệt Phú Thọ đến từ việc thực hiện những giải pháp quan trọng có tính chiến lược như: Thứ nhất, luôn mang đến chất lượng sợi hàng đầu. Từ quy trình sản xuất kỹ lưỡng đến chọn lọc nguyên liệu chất lượng, mỗi sản phẩm mang đậm dấu ấn chất lượng của Dệt Phú Thọ. Thứ hai, không ngừng nỗ lực vượt khó, duy trì sự ổn định trong chất lượng sản phẩm. Chính nhờ sự tận tâm và kiểm soát chất lượng chặt chẽ, Dệt Phú Thọ đã tăng độ uy tín và sự tin cậy đối với khách hàng. Thứ ba, luôn linh hoạt trong cách tiếp cận thị trường và tổ chức hoạt động thăm dò nhu cầu của khách hàng. Điều này giúp Dệt Phú Thọ điều chỉnh giá cả một cách hợp lý và phù hợp với mỗi thị trường, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của khách hàng. 

 

Như vậy, sau nhiều năm phấn đấu, đến nay, Dệt Phú Thọ không những thoát khỏi tình trạng ảm đạm sau đại dịch Covid-19 mà còn minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, nhất là trong việc nâng cao uy tín, xây dựng, mở rộng các mối quan hệ của mình tại thị trường nội địa và quốc tế. Điều này cũng là một bước tiến của Công ty, góp phần phát triển không ngừng đối với ngành phụ trợ Dệt May kéo sợi tại địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Với uy tín được khẳng định, Dệt Phú Thọ có thể phát huy lợi thế chuyên ngành của mình khi Chính phủ, Bộ Công Thương, địa phương vẫn đang không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất CNHT Dệt May. 

 

Theo Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, tỉnh đang tập trung ưu tiên phát triển 6 lĩnh vực CNHT trên địa bàn, nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ nhanh, toàn diện và bền vững. 

 

Trong đó, CNHT ngành Dệt May, Da-giày là nhóm ngành cần thiết phải có chỗ để phát triển. Vì hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu từ nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn. Lĩnh vực sản xuất lựa chọn đẩy mạnh phát triển gồm: Sản xuất xơ, sợi – kéo sợi, dệt vải; các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong quá trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt- may như bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ…; cúc các loại; chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo…. Bên cạnh đó, nguyên liệu chính sản xuất giày dép cũng đang được thúc đẩy như: Da thuộc, vải sợi bông, sợi tổng hợp, giả da, cao su, chất dẻo… 

 

Với mục tiêu và tiềm năng còn rất lớn này của ngành phụ trợ Dệt May, tin rằng, Dệt Phú Thọ sẽ tận dụng tốt mọi cơ hội và tiến xa trong thời gian tới…

 

Hà Đăng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang