5 năm tới, nhiều ngành hàng được dự báo vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt về XK.
Tiêu: Duy trì kim ngạch 1,2-1,3 tỷ USD/năm
5 năm qua có thể nói là giai đoạn đánh dấu những bước tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng hồ tiêu. Năm 2014, hồ tiêu đã vượt mốc XK 1 tỷ USD, và tiếp tục duy trì thành tích đó trong năm nay. Hồ tiêu cũng đang là loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân....
Điều đáng chú ý là cả nông dân trồng tiêu lẫn doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới khâu sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, nhằm nâng cao giá trị hạt tiêu. Trước đây, hầu hết các hộ trồng tiêu thường phơi hồ tiêu cho khô tự nhiên, nên chất lượng không đồng đều, nhất là khi có mưa bão. Hiện nay, nhiều hộ đã đầu tư lò sấy tiêu với công suất 400-500 kg/mẻ (mỗi mẻ sấy 12 giờ). Giá một lò sấy không cao, chỉ khoảng 15 triệu đồng, nên theo ước tính của VPA, đã có khoảng 70% hộ trồng tiêu đầu tư máy sấy. Nhiều hộ còn đầu tư quạt để làm sạch, thổi phân loại hạt tiêu, máy xay xát, chế biến tiêu trắng quy mô hộ, đầu tư các loại túi đựng chuyên dụng để bảo quản hồ tiêu lâu dài, làm kho chứa riêng… Bên cạnh đó, chế biến sâu đang ngày càng được các doanh nghiệp hồ tiêu đẩy mạnh và tiếp tục là xu thế trong những năm tới. Đến năm 2015, ngành hồ tiêu đã có 18 nhà máy chế biến hiện đại, công suất lớn, đạt tiêu chuẩn thế giới, chế biến được các sản phẩm đặc trưng như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu đỏ, tiêu nghiền bột, tiêu hữu cơ theo công nghệ sạch, chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các nhà máy chưa sử dụng hết công suất thiết kế, một phần vì thiếu nguồn tiêu nguyên liệu đảm bảo vệ sinh ATTP, phần khác là do nhiều thị trường quan trọng như châu Phi, Trung Đông… vẫn chủ yếu sử dụng hạt tiêu thô, mà ít mua các sản phẩm tiêu chế biến sâu. Nhìn lại 10 năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh…, sản lượng tiêu toàn cầu chưa bao giờ vượt ngưỡng 400.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hạt tiêu trên thế giới liên tục tăng trưởng do gia tăng dân số, sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn nhanh (có mức tăng trưởng 4-5%/năm) với nhu cầu sử dụng nhiều hạt tiêu cũng đang góp phần quan trọng làm gia tăng nhu cầu hạt tiêu trên thế giới. Vì thế, đã có những thị trường tăng nhu cầu sử dụng hạt tiêu tới 10%/năm trong thời gian ngắn. Trong vài năm tới, hạt tiêu vẫn là một trong những mặt hàng nông sản mà cầu vẫn sẽ vượt cung. Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của ngành hàng hồ tiêu là không tăng diện tích mà tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên những diện tích có điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, thuận lợi về nguồn nước tưới. Song song với đó sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh ATTP, phấn đấu sản lượng tiêu sạch, tiêu qua xử lý chế biến đạt khoảng 90% sản lượng tiêu hàng năm. Trong đó, tiêu đen chiếm 70% (15% là tiêu nghiền bột) và tiêu trắng chiếm 30% (25% là tiêu nghiền bột). Căn cứ vào sản lượng và nhu cầu thị trường, ngành hồ tiêu phấn đấu duy trì kim ngạch xuất khẩu 1,2-1,3 tỷ USD/năm từ nay đến 2020.
Cà phê: Đẩy mạnh chế biến sâu
Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, trong định hướng phát triển của ngành hàng cà phê trong 5 năm tới, cà phê nhân vẫn tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cà phê chế biến: cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Cụ thể, cơ cấu các sản phẩm cà phê như sau: Cà phê nhân sẽ ổn định công suất chế biến ở mức khoảng 1 triệu tấn/năm và tập trung vào thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu 2,1-3 tỷ USD, chiếm 55-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê; Cà phê rang xay sẽ tập trung cho thị trường nội địa với các giải pháp nhằm nâng cao công suất thực tế (đến năm 2020 đạt 50.000 tấn/năm) và vệ sinh ATTP; Cà phê hòa tan vừa phục vụ xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu nội địa, sản lượng đạt 255 ngàn tấn năm 2020 (55.000 tấn là cà phê hòa tan nguyên chất, 200.000 tấn là cà phê hòa tan phối trộn). Trên thực tế trong những năm qua, cà phê chế biến sâu đang có sự phát triển mạnh ở nước ta. Trong năm 2015, đã có thêm nhiều nhà máy chế biến cà phê xuất hiện ở các tỉnh phía Nam do các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư: Nestlé đầu tư nhà máy trị giá 80 triệu USD để sản xuất cà phê khử caffeine (tổng cộng ở Việt Nam, Nestlé đã đầu tư 5 nhà máy chế biến cà phê trị giá 450 triệu USD); Neumann Gruppe đầu tư thêm 1 nhà máy chế biến cà phê công suất 26 tấn/giờ ở Đồng Nai; Massimo Zanetti Beverage Group đầu tư một nhà máy ở Bình Dương công suất 3.000 tấn/năm; Intimex khánh thành thêm 1 nhà máy ở Bình Dương, công suất 90.000 tấn/năm (tổng cộng Intimex đã đầu tư 9 nhà máy chế biến cà phê tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Bình Dương). Tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến cà phê trong nước hiện đã đạt 146.000 tấn. Nhờ đó, cà phê đã qua chế biến đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng khối lượng cà phê xuất khẩu. Nếu như trong cả năm 2013, cà phê chế biến chỉ chiếm 1,7% lượng cà phê xuất khẩu, thì trong 10 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã tăng lên thành 11,2%. Đây là một sự tăng trưởng đầy ấn tượng. Không chỉ đóng góp ngày càng quan trọng vào xuất khẩu, sự phát triển nhanh chóng của cà phê chế biến Việt Nam còn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cà phê đang gia tăng nhanh chóng ở thị trường nội địa. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, nước ta là một nước đang phát triển, nên tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cà phê đang ở mức cao. Một khảo sát cách đây 3 năm cho thấy chi tiêu cho cà phê và chè năm 2012 có mức tăng 12,8% so năm 2010.
Gạo: Duy trì XK trên dưới 7 triệu tấn
Trong 5 năm tới, nhiều khả năng cung vẫn vượt cầu trên thị trường gạo thế giới. Một số dự báo cho thấy đến 2020, sản lượng gạo thế giới sẽ đạt trên 530 triệu tấn, tăng hơn 10% so với hiện nay. Trong khi đó, lượng tiêu thụ gạo toàn cầu tuy cũng tăng hơn 10%, nhưng dự báo chỉ đạt khoảng 500 triệu tấn....
Như vậy, cung vẫn sẽ vượt cầu khoảng vài chục triệu tấn. Đây là mức dư cung không quá lớn, và khi các nước đẩy mạnh dự trữ lương thực, cung – cầu sẽ tương đối cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt. Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, mậu dịch gạo toàn cầu sẽ tăng 2,5%/năm đến 2022, chủ yếu bởi gia tăng dân số và tăng thu nhập ở những nước đang phát triển, trong khi một số nước nhập khẩu quan trọng không thể tăng mạnh sản lượng. Châu Phi và Trung Đông là những khu vực có khả năng tăng mạnh nhất về nhu cầu nhập khẩu gạo do khó tăng sản lượng bởi các yếu tố khí hậu hoặc hạ tầng. Các nước là bạn hàng lớn của Việt Nam trong thời gian qua như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Malaysia... vẫn tiếp tục phải nhập khẩu gạo với khối lượng lớn. Như vậy, có thể thấy khả năng tăng trưởng xuất khẩu là rất khó, nhưng trong 5 năm tới, gạo Việt Nam vẫn có thể duy trì được mức xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn như trong những năm qua.
Điều: Tiếp tục giữ vị trí số 1
Năm 2015, tuy xuất khẩu nông sản nói chung gặp rất nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị, nhưng ngành điều vẫn có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, với kim ngạch hoàn toàn có thể đạt mức kỷ lục từ trước tới nay: 2,5 tỷ USD....
Theo nhận định của các chuyên gia ngành điều, xuất khẩu điều của nước ta vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong những năm tới. Trước hết là do nhu cầu sử dụng các loại hạt, quả khô để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, sản lượng điều nói riêng và nhiều loại quả, hạt khô nói chung, vì nhiều lý do khác nhau mà khó có thể tăng kịp so với nhu cầu. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững vị trí số 1 và nâng cao hơn nữa giá trị của hạt điều Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ đi sâu hơn vào các sản phẩm chế biến sâu. Thực ra, trong những năm qua, bên cạnh nhân điều, các mặt hàng chế biến từ hạt điều cũng đã được nhiều doanh nghiệp tổ chức sản xuất để xuất khẩu và cung ứng trên thị trường nội địa, nhưng chủ yếu vẫn là những dạng chế biến còn tương đối đơn giản như nhân điều rang muối, nhân điều còn vỏ lụa rang muối, nhân điều tẩm mật ong… Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tung ra thị trường những sản phẩm chế biến phức tạp hơn có sử dụng nguyên liệu là nhân điều như các loại bánh có nhân điều, hạt điều wasabi, socola nhân điều, pizza nhân điều… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến điều còn đang tích cực nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều món ăn, bánh trái truyền thống có sử dụng nguyên liệu là nhân điều như bánh dò, bánh pía, bánh tét, xôi vò, chè… Với việc chú trọng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp ngành điều không chỉ hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt điều xuất khẩu, thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ ở nước ngoài…, mà còn là bước đi quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ hạt điều trên thị trường nội địa.
Thủy sản: Tận dụng các FTAs
Dù đang gặp khó khăn về thị trường, nhưng thủy sản vẫn là một trong những ngành hàng đầy triển vọng để tăng trưởng mạnh về xuất khẩu trong 5 năm tới.
Với mặt hàng số 1 là con tôm, theo dự báo của FAO, đến năm 2020, sản lượng tôm thế giới vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ tôm năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,55 triệu tấn, trong khi nguồn cung dự báo chỉ đạt khoảng 4,49 triệu tấn. Như vậy, cầu cao hơn cung tới trên 2 triệu tấn. EU sẽ tiếp tục là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới với nhu cầu tới gần 900 ngàn tấn vào năm 2020. Tiếp đó là Mỹ với trên 650 ngàn tấn, Nhật Bản gần 500 ngàn tấn... Còn về thị trường thủy sản nói chung, theo dự báo của FAO, đến 2022, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên và có thể đạt mức bình quân 20,7 kg/người/năm. Thủy sản và các sản phẩm thủy sản vẫn sẽ là một trong những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên toàn thế giới. Năm 2022, dự báo tổng sản lượng thủy sản trên toàn cầu là 181 triệu tấn thì khoảng 36% được XK. Các nước châu Á trong đó có Việt Nam, vẫn chiếm thị phần lớn về XK thủy sản. Như vậy, có thể khẳng định thủy sản nước ta vẫn rất rộng đường tăng trưởng XK trong 5 năm tới. Điều đáng chú ý là đang có những dấu hiệu cho thấy nhiều nhà máy chế biến thủy sản, đang được chuyển dịch từ nhiều nước trong khu vực về Việt Nam, và xu thế này nhiều khả năng sẽ còn duy trì trong những năm tới. Cụ thể, nhiều nhà máy chế biến cá do các doanh nghiệp châu Âu đầu tư ở Trung Quốc, đang được chuyển về Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn tránh tiếng hàng sản xuất ở Trung Quốc (vốn đang bị người tiêu dùng châu Âu e ngại về vệ sinh ATTP) và sản xuất ở Việt Nam có chi phí thấp hơn nhiều. Ở ngành tôm, đang có dấu hiệu cho thấy sự chuyển dịch nhà máy từ đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực là Thái Lan, sang Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia vào TPP và ký kết hàng loạt FTAs là một lợi thế quan trọng để nhiều nhà đầu tư chuyển dịch nhà máy chế biến thủy sản từ các nước khác về Việt Nam. Bên cạnh đó, theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP), đầu tư về nhà xưởng, công nghệ, máy móc chế biến thủy sản ở Việt Nam hiện đã đứng vị trí số 1 ở ASEAN. Việt Nam lại đang có một đội ngũ lao động chế biến thủy sản có tay nghề cao. Việc thành lập cộng đồng ASEAN (AEC) cũng được coi là cơ hội lớn để thúc đẩy XK thủy sản trong những năm tới. Trong 5 năm qua, ASEAN là một thị trường đang có mức tăng trưởng mạnh đối với XK thủy sản nước ta. 10 tháng đầu năm nay, XK thủy sản sang ASEAN đạt giá trị gần 413 triệu USD, tăng 33,6% so với 5 năm trước. Năm 2014, giá trị XK thủy sản sang các nước ASEAN là gần 453 triệu USD, tăng tới 46,6% so năm 2013. Với giá trị XK như trên, ASEAN hiện đang là thị trường lớn thứ 6 của thủy sản Việt Nam. Không những thế, nhiều nước ASEAN còn là nguồn cung cấp quan trọng thủy sản nguyên liệu có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu chế biến XK của các doanh nghiệp nước ta. Chính vì vậy, sự hình thành thị trường chung AEC không còn những rào cản về hàng hóa, dịch vụ, vốn… sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không chỉ gia tăng hơn nữa việc XK thủy sản vào các nước trong khối mà còn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn thủy sản nguyên liệu chất lượng tốt, giá rẻ để chế biến XK sang những thị trường khác.
Chú trọng hơn tới lâm sản ngoài gỗ
Vốn đã có mức tăng trưởng tốt trong 5 năm qua, gỗ là ngành hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong 5 năm tới, chủ yếu nhờ TPP và các FTAs khác. Với những lợi thế mà ngành gỗ Việt Nam có được nhờ các Hiệp định tự do thương mại, nhiều khách hàng lớn trên thị trường đồ gỗ thế giới đang đổ xô đến Việt Nam....
Chế biến đồ gỗ xuất khẩu Nhiều công ty sản xuất gỗ nội thất đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc (nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới) sang Việt Nam (đứng hàng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ, thứ 2 ở châu Á và số 1 ở ASEAN) để hưởng những điều kiện sản xuất, xuất khẩu thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp dự báo tăng trưởng xuất khẩu gỗ trong những năm tới có thể đạt 25-30%/năm, qua đó kim ngạch XK ngành hàng này có thể vượt xa mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự báo đến năm 2020, sản xuất đồ gỗ nội địa ở nước ta sẽ đạt 2,8 triệu m3 sản phẩm, đồ gỗ xuất khẩu đạt 5 triệu m3. Trong đó, sản xuất ván nhân tạo đạt 3 triệu m3. Một điều đáng chú, tỷ lệ sử dụng gỗ trong nước, giảm tỷ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, sẽ là xu thế rõ rệt trong những năm tới. Dự báo đến 2020, nguyên liệu gỗ trong nước sẽ đạt 14,5 triệu m3, đáp ứng được 62% nhu cầu. Đặc biệt, lâm sản ngoài gỗ sẽ được quan tâm hơn so với trước đây, vì nhu cầu và thị trường thế giới là không nhỏ. Theo báo cáo của Chương trình tre Mekong, thị trường lâm sản ngoài gỗ thế giới sẽ đạt mức 17 tỷ USD vào năm 2017. Mặt khác, lâm sản ngoài gỗ có giá trị gia tăng rất cao, có nhiều lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại làm từ gỗ hoặc vật liệu khác do những ưu thế về khả năng sinh trưởng nhanh, tính tận dụng nguyên liệu và ít ảnh hưởng tới môi trường trong khai thác, chế biến. Hiện tại, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ truyền thống vẫn đang có thị phần lớn (95%) nhưng mức tăng trưởng đã chậm lại. Trong khi đó, các sản phẩm mới, chế biến công nghiệp (tre ép làm ván sàn và nội thất, làm tấm lót đường, tre ép phục vụ xây dựng, làm than hoạt tính, làm sợi…) đang có nhiều hứa hẹn và tiềm năng phát triển, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, nhất là các sản phẩm từ gỗ. Thị trường nội thất thế giới hiện có giá trị khoảng 100 tỷ USD, thì nội thất từ tre tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đã chiếm 3%. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm mây, tre, cói, thảm của nước ta ổn định ở mức 180-200 triệu USD/năm. Sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ (hơn 19%), Nhật Bản (gần 17%), Đức, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, do ít được quan tâm phát triển nên tài nguyên lâm sản ngoài gỗ đang cạn kiệt, vì thế sẽ khó đạt chỉ tiêu 800 triệu USD XK vào năm 2020.
Theo Nongnghiep.vn