Vịnh Hạ Long
Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phù - kẹt (Thái Lan) ngày 17 tháng 12 năm 1994 đã công nhận lần thứ nhất Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (vii): về vẻ đẹp cảnh quan, và công nhận lần thứ hai với tiêu chí (viii): về giá trị địa chất tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia (ngày 02 tháng 12 năm 2000).
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc nước ta, diện tích khoảng 1.553km2 với 1.969 hòn đảo lô nhô tạo nên những cảnh sắc kỳ thú. Sự hiện diện của Vịnh và những hòn đảo trên Vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.
Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển … Các hệ sinh thái đó được phân bố trong một khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ nước biển trung bình từ 19 - 25 độ C, là môi trường sống rất thuận lợi đối với các loài sinh vật.
Thật hiếm có một thắng tích nào lại hội tụ nhiều yếu tố giá trị đặc biệt hấp dẫn cả về cảnh quan tự nhiên, địa chất, đa dạng sinh học lẫn những giá trị lịch sử văn hoá sâu sắc như di sản Vịnh Hạ Long. Có thể nói, những giá trị lịch sử, văn hoá đang hiện hữu trên cả một vùng biển đảo rộng lớn này đã góp phần làm cho Hạ Long vốn đã tuyệt vời về cảnh sắc lại càng thêm hấp dẫn, đắm say lòng người.
Quần thể Di tích cố đô Huế
Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia) ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí: Huế thể hiện là một bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam đã mất mà đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ XIX, và tiêu chuẩn: Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông.
Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba vòng thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival tổ chức hai năm một lần. Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.
Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia) ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (iii): Huế thể hiện là một bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam đã mất mà đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ XIX, và tiêu chuẩn (iv): Quần thể di tích Huế là một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông.
Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...
Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của sông Hương chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba vòng thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc.
Hoàng thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành - nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung... Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.
Về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cổ Việt Nam.
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với chế độ quân chủ nhà Nguyễn, cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.
Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival tổ chức hai năm một lần. Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Ngày 7 tháng 11 năm 2003, Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.
Quần thể danh thắng Tràng An
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Doha, Ca-ta, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức Quyết định đưa Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Nằm ở cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông Nam, Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố Đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).
Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan các-xtơ là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi. Những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm tạo ra một yếu tố văn hóa tâm linh, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan.
Chính những rặng núi cổ kính, các hang động bí ẩn và nhiều địa điểm linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua nhiều thế hệ. Tràng An - một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông - Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông - Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác.
Di tích Thành Nhà Hồ
Ngày 27 tháng 6 năm 2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Là kinh đô của nhà Hồ, Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô. 4 bên mặt thành được bao quanh bằng tường đá với tổng khối lượng đá xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp.
Ngay từ đợt công nhận đầu tiên các di tích có giá trị cao, đặc biệt quan trọng của đất nước vào năm 1962, Di tích Thành Nhà Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Kể từ đó tới nay, đã có thêm 02 di tích nữa thuộc khu vực này được công nhận cấp quốc gia, là: Đàn Nam Giao và La Thành.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ bao gồm 3 di tích nói trên cùng với di tích hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan tới Thành Nhà Hồ.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Braxin ngày 31/7/2010 đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí: minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam, minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK 7 cho đến tận ngày nay, và liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử quan trọng.
Rất nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, bao gồm sự phát triển của các nhà nước độc lập, các hình mẫu nhà nước kiểu Châu Á, ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, phương Tây, của chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau Chiến tranh thế giới thứ II đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm và còn có thể nhìn thấy được trong không gian chung của khu di sản.
Nhiều nét văn hóa và mỹ thuật độc đáo được hình thành tại Thăng Long và chính những giá trị đó đã làm cho khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nổi lên như một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc quốc tế. Nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và nhiều loại hình di vật độc đáo của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử được các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất thuộc khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phản ánh sinh động về lịch sử phát triển lâu dài của Kinh đô Thăng Long.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris (Pháp) ngày 03 tháng 7 năm 2003 đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (viii) về địa chất, là một tập hợp bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất.
Vùng Phong Nha - Kẻ Bàng và phụ cận bao gồm lãnh thổ một phần các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Ninh, trải rộng từ biển tới biên giới Việt - Lào. Diện tích vùng Di sản là 85.754 ha.
Về địa chất, Khu hệ núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tuổi địa chất trên 400 triệu năm, được hình thành từ kỷ Devon và trải qua 4 chu kỳ kiến tạo: Devon, Devon muộn - Carbon sớm, Carbon - Permi và Mesozoi. Quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên hệ thống hang động và các suối ngầm rất đặc trưng với trên 300 hang động lớn nhỏ, trong đó 17 hang động đã được khảo sát và 2 hang động đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch là hang Tiên Sơn và hang Phong Nha.
Khu Phố cổ Hội An
Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), ngày 01 tháng 12 năm 1999 đã công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí là một sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn của các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế và là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền.
Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam. Hội An là một trong những đô thị cổ, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia... đã biết đến từ thế kỷ 16 - 17. Hồi đó thương cảng Hội An thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á.
Hội An được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay với tư cách một khu phố - Thương cảng cổ ở đó có di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, các hội quán của người Hoa, những ngôi mộ của người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên cầu Nhật Bản…Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó, cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội...của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Khu di tích Chăm Mỹ Sơn
Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco) ngày 01 tháng 12 năm 1999 đã công nhận Khu Di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (ii): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa. Những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ, và tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.
Khu di tích Chăm Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp có đường kính khoảng 2km, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 70km về hướng Tây - Tây Nam, cách Trà Kiệu- kinh thành cũ của vương quốc Chămpa xưa 20km về phía Tây.
Đền tháp ở Mỹ Sơn tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Chămpa. Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13), các đền tháp nơi đây có nhiều kiểu thức kiến trúc phong phú, song nhìn chung các đền tháp có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru (Ấn Độ).
Theo Tư liệu Cục Di sản Văn Hóa