Thứ Ba, 26/11/2024 18:52:12 GMT+7
Lượt xem: 1020

Tin đăng lúc 14-06-2018

Điểm mặt những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hưởng lợi từ mùa World Cup

Dù không trực tiếp tham dự ngày hội bóng đá World Cup, nhưng không ít doanh nghiệp Việt Nam đang gián tiếp hưởng lợi từ sự kiện này.
Điểm mặt những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hưởng lợi từ mùa World Cup

Ngày 14/06 (hôm nay), mùa hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ chính thức được khai mạc. Cơn sốt bóng đá không chỉ đem lại niềm vui cho người hâm mộ, mà còn khiến không ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán "mát lòng".

 

Nóng cùng ngành bia

 

Theo thống kê của Bloomberg thì có 90% dân số thế giới sinh sống ở Bắc bán cầu. World Cup (WC) thường diễn ra vào mùa hè của của nửa bán cầu, mà đây lại là mùa cao điểm của tiêu thụ bia và nước giải khát nói chung. Kết hợp yếu tố mùa vụ và yếu tố sự kiện, chắc chắn doanh số trong mùa hè 2018 của các hãng bia sẽ tăng mạnh hơn so với năm trước.

 

Trên sàn chứng khoán, 2 ông lớn trong ngành là bia Sài Gòn- Sabeco (SAB: Hose) và bia Hà Nội- Habeco (BHN: Hose) chắc chắn là những công ty hưởng lợi nhiều nhất. Kết thúc quý 1/2018, 2 doanh nghiệp này báo cáo những kết quả trái chiều. Trong khi lợi nhuận của Habeco tăng 12% thì Sabeco báo lãi sụt giảm trong quý đầu tiên về tay người Thái.

 

Sabeco là công ty bia lớn nhất Việt Nam với thị phần 40%. Tính đến cuối năm 2017, Công ty có 26 nhà máy bia trên cả nước, tổng công suất 2 tỷ lít/năm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Sabeco còn khá thấp so với các công ty bia đầu ngành khác trong khu vực, theo đó Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Thaibev sẽ hỗ trợ Sabeco cải thiện biên lợi nhuận đáng kể trong dài hạn, bên cạnh việc mở rộng thị trường.

 

Còn với Habeco, với việc doanh thu tiêu thụ sụt giảm trong những năm gần đây, Habeco đã tụt xuống vị trí thứ 3 trên bản đồ ngành bia sau Sabeco và Heineiken. Năm 2018, Habeco đặt kế hoạch tiêu thụ được 496,3 triệu lít bia, tăng 3,7% so với cùng kỳ và thu được 811,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+28%). Hết quý 1, Habeco mới chỉ hoàn thành 16% kế hoạch doanh thu và 13,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. World Cup là cơ hội tốt để cho Habeco tăng tốc và đạt được những chỉ tiêu đặt ra trong năm nay.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu SAB và BHN khá tương đồng trong 1 năm qua

 

"Đồ nhậu" hưởng lợi

 

Trên bàn nhậu bia sẽ không xuất hiện một mình mà luôn luôn đi kèm bạn đồng hành. Xúc xích của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản – Vissan (VSN- Upcom) và bánh phồng tôm của CTCP xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC: HNX) dự kiến cũng sẽ có một mùa hè bội thu cùng WC.

 

Với nhận định đó Vissan xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2018 với tổng doanh thu dự kiến đạt 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với doanh thu đạt được năm 2017; lợi nhuận trước thuế ước đạt 179 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 8%.

 

Hết quý 1/2018 Vissan thu về 1.025 tỷ đồng doanh thu và 49,2 tỷ đồng LNST. Như vậy, dù mới chỉ hoàn thành 22,2% kế hoạch doanh thu nhưng Vissan đã hoàn thành tới 27,5% kế hoạch LNST chỉ trong quý 1.

 

Còn với Sa Giang, công ty này có kế hoạch khiêm tốn hơn khi đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 ở mức 312 tỷ đồng, LNTT đạt 40 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 6,6% so với năm 2017. Hết quý 1/2018, Sa Giang ghi nhận doanh thu ở mức 69,1 tỷ đồng, LNTT đạt gần 8 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch LNTT của năm 2018.

 

Cổ phiếu SGC đã tăng giá khá mạnh từ đầu năm 2018 tới nay. Có thời điểm SGC giao dịch ở gần mức 100.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 2 so với mức giá đầu năm. Hiện tại cổ phiếu này giao dịch ở quanh mức 71.000 đồng/cổ phiếu tuy nhiên lượng khớp lệnh là rất thấp.

 

 

Diễn biến giá cổ phiếu VSN và SGC từ đầu năm 2018 đến nay

 

Nhóm điện tử, tiêu dùng

 

Một mặt hàng không thể không nhắc tới trong mỗi mùa hội bóng đá đó là TV. Dù gia nhập mảng kinh doanh đồ điện tử sau nhiều tên tuổi lớn trên thị trường như Nguyễn Kim, Top Care hay Pico nhưng thương hiệu Điện Máy Xanh của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG: Hose) đã nổi lên mạnh mẽ không chỉ nhờ những chương trình media mà còn phản ảnh rõ nét ở trên kết quả kinh doanh.

 

Trong 4 tháng đầu năm 2018, Điện Máy Xanh tiếp tục thể hiện mình là "con gà đẻ trứng vàng" cho MWG khi doanh thu đem lại đạt mức trên 16 nghìn tỷ đồng, vượt qua mảng kinh doanh điện thoại để trở thành nguồn thu lớn nhất cho công ty. Đáng chú ý, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của Điện Máy Xanh đạt mức tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Mùa WC tiếp tục là một cơ hội để chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh gia tăng doanh thu cho công ty mẹ cũng như "ghi điểm" trong mắt nhà đầu tư.

 

Theo Nhịp sống kinh tế


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang