Tỉnh Điện Biên không chỉ hướng tới mục tiêu nằm trong Top 5 tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc và trong nhóm 40 tỉnh đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mà còn nâng vị thế, hình ảnh Điện Biên lên tầm cao mới.
Đây là một trong mục tiêu cụ thể hoá Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ
Theo đánh giá của Phòng TM&CN Việt Nam, Chỉ số PCI của Điện Biên trong những năm qua liên tục được cải thiện, từ vị trí cuối bảng xếp hạng năm 2014, trong 2 năm 2015-2016 đã tăng 10 bậc (xếp thứ 53); năm 2017 tăng 5 bậc (xếp thứ 48), năm 2018 tăng 1 bậc (xếp thứ 47); năm 2019 tiếp tục tăng 3 bậc vươn lên xếp hạng thứ 44; năm 2020 xếp thứ 46 trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Từ thực tế trên, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên cho rằng, Kế hoạch hành động trong Nghị quyết số 12 sẽ tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, thông thoáng giữa các thành phần kinh tế. Bởi, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh đang tập trung thực hiện các mục tiêu như: Hoàn thiện hạ tầng cho chuyển đổi số; 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; 80% TTHC được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã thực hiện thành công TTHC trước đó; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch…
“Mục tiêu trung trình mỗi năm có 150 doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 doanh nghiệp đến năm 2025; PCI xếp hạng khá, nằm trong Top 5 tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc, thuộc nhóm 40 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng không còn là điều “xa vời” đối với Điện Biên” ông Giang tin tưởng.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, việc ganh đua vị trí xếp hạng PCI giữa các tỉnh thành khá quyết liệt, sự cách biệt về điểm số giữa các tỉnh thành không nhiều. Vì vậy, để tạo sự bứt phá, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã của Điện Biên cần nỗ lực hơn trong đồng hành phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Cụ thể hoá các giải pháp cho từng sở, ngành
Để cụ thể hoá các mục tiêu, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định, tỉnh đã đề ra các giải pháp, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, ngoài việc chú trọng thực hiện tốt công tác thu hút và xúc tiến đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, cải cách thể chế, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt người đứng đầu phải không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tạo dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện.
“Kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ”, ông Đô nhấn mạnh.
Điện Biên sẽ đẩy mạnh việc phân cấp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt tập trung đối với các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng,...; Thực hiện rà soát đánh giá toàn diện bộ chỉ số CCHC (Par Index), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục, cải thiện thực chất điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí thành phần cho những năm tiếp theo. Hàng năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch khắc phục và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) và Chỉ số PCI liên quan đến nhiệm vụ của ngành, địa phương được giao, nhất là các chỉ số thành phần giảm điểm, thứ hạng thấp.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm kiến nghị loại bỏ, đơn giản hóa các TTHC còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, gắn với số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC,... Đồng thời, đổi mới công tác đối thoại giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp theo vùng, lãnh thổ, lĩnh vực; Thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
“Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông trong khảo sát trực tuyến người dân, tổ chức để cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời về tình hình phục vụ của các cơ quan hành chính cho chính quyền các cấp ở địa phương”, ông Đô nhấn mạnh.
Theo Diendandoanhnghiep.vn