Năm 2017, Tỉnh ủy Điện Biên lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH có nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, bất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của một bộ phận dân cư; Nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực đầu tư từ ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu; Tình hình dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS còn phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước, các Bộ, ngành của Trung ương, cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 9.719 tỷ 119 triệu đồng, tăng 7,09% so với thực hiện năm 2016. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,75%; công nghiệp – xây dựng tăng 9,69%; dịch vụ tăng 7,05%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,76%, giảm 1,9%; Công nghiệp – xây dựng chiếm 22,34%, giảm 0,46%; Dịch vụ chiếm 54,39% tăng 2,48% (so với năm 2016). GRDP bình quân đầu người ước đạt 24,15 triệu đồng, tăng 9,96% so với năm 2016.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được tập trung chỉ đạo. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 257.971 tấn, tăng 1,59% so với năm 2016 và đạt 101,26% kế hoạch. Đã đưa vào khai thác được 630,81/5.172 ha cao su, năng suất mủ quy khô đạt khoảng 7 tạ/ha; các địa phương tập trung chăm sóc diện tích cây công nghiệp dài ngày hiện có, khuyến khích phát triển cây công nghiệp ngắn ngày. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, các chỉ tiêu chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới, đạt mục tiêu kế hoạch, tiếp tục vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.464,53 tỷ đồng, tăng 10,68% so với năm 2016. Một số sản phẩm chủ yếu như: Khai thác đá xây dựng, chế biến thức ăn gia súc gia cầm, sản xuất điện, sản xuất xi măng, gạch xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 9.791,16 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,91%. Tổng lượng khách du lịch ước đạt 600 ngàn lượt người, trong đó khách quốc tế 120 ngàn lượt người.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được mở rộng và kiên cố hóa. Quy mô học sinh phát triển tương đối ổn định ở các cấp học phổ thông và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường, đặc biệt ở cấp THPT tăng, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục – xóa mù chữ. Tích cực triển khai công tác tuyển sinh và hoạt động liên kết đào tạo tại các trường cao đẳng trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Ông Trần Văn Sơn, Bí thư tỉnh ủy, trao quà cho gia đình chính sách
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống bệnh dịch được quan tâm đầu tư và thu được nhiều kết quả. Thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 125%, tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu y tế. Truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được duy trì thường xuyên, tập trung ở địa bàn vùng cao, biên giới, khu vực có tỷ lệ sinh cao.
Chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, nhất là các chính sách xã hội như: trợ cấp, cứu đói, cấp phát bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội. Các chương trình, dự án giảm nghèo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện sát sao, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,18% (từ 44,82% năm 2016 xuống 41,64% năm 2017), riêng 5 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3,85%.
Tích cực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đã có chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo yêu cầu đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.046 lao động. Tuyển mới và đào tạo nghề cho 7,894 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 5.751 lao động nông thôn, đạt 98,67% kế hoạch.
Năm 2017 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu về phát triển KT-XH năm 2017 cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,09% (vượt mục tiêu NQ), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thu được kết quả bước đầu. Các tiềm năng, lợi thế của tỉnh tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất và triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng thủy điện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, các mặt văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh đảm bảo, quan hệ đối ngoại mở rộng, hệ thống chính trị và xây dựng Đảng đạt kết quả cao. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có nhiều chuyển biến tích cực.
Những thành quả của năm qua đã tạo đà để Điện Biên bước vào năm mới tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng với tư thế chủ động, tự tin, vững chắc và gặt hái được nhiều thành công mới.
Xuân Trường