Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của Điện Biên chưa đạt như kỳ vọng, nhưng với những giải pháp căn cơ 6 tháng cuối năm cho thấy sự quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu năm của chính quyền tỉnh Điện Biên trước tác động của COVID-19.
Theo báo cáo phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm nay của tỉnh Điện Biên, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 5.665,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm so với mục tiêu tăng trưởng 7%...
Khó khăn, vướng mắc
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID -19, đặc biệt đợt bùng phát lần thứ 4 với nhiều chủng mới có mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca bệnh đã ảnh hướng lớn, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế- xã hội, các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách được huy động còn hạn chế và chưa được phát huy hiệu quả. Đồng thời, việc ban hành hướng dẫn thực hiện một số chính sách, quy định, mới nhất là về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được kịp thời, thiếu nhất quán, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện ở địa phương… Tại một số cơ quan, địa phương, việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chưa thật sự quyết liệt, tổ chức thực hiện còn chậm chuyển biến. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả, có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Từ ghi nhận của doanh nghiệp trên địa bàn cũng chỉ rõ, việc kiểm tra đôn đốc nắm tiến độ để chủ động tham mưu đề xuất xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện một số dự án chưa quyết liệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
“Một số chính quyền, địa phương còn hạn chế trong tuyên truyền, vận động, thu hút người dân tham gia liên kết thực hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp (đặc biệt là dự án trồng Mắc ca) dẫn đến người dân chưa nhận thấy được những lợi ích mang lại của việc tham gia liên kết với nhà đầu tư”, đại diện một doanh nghiệp nói.
Phấn đấu tối thiểu 7% GRDP năm 2021
Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, ông Lê Thành Đô chia sẻ, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trong năm đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất xây dựng kịch bản với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt tối thiểu 7% (theo giá so sánh năm 2010). “Như vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt khoảng 10%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp thủy sản tăng 5,5%; khu vực công nghiệp xây dựng tăng 16,1%; khu vực dịch vụ tăng 8,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 11,2%” ông Đô đánh giá.
Vì vậy, song song việc phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó giao các Sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố, đồng hành cùng nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án của các thành phần kinh tế, đặc biệt là những dự án phát triển đô thị; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai để doanh nghiệp có đất tổ chức triển khai dự án; tập trung thực hiện trồng mới 2.240 ha mắc ca, nâng tổng diện tích trồng mới năm 2021 là 2.401 ha trong 6 tháng cuối năm; thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp...
Ngoài ra, tỉnh đôn đốc chủ đầu tư dự án thủy điện Huổi Vang, thủy điện Sông Mã 3 đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng và sớm hoàn thành phát điện thương mại trong quý III; Thủy điện Sông Mã 3 29,5MW dự kiến hoàn thành phát điện cuối tháng 10/2021…; Tập trung thực hiện đảm bảo mục tiêu đến hết tháng 9 tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 60%, hết năm 2021 tỷ lệ giải ngân đạt 95%-100%; Tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
“Các sở, ngành của tỉnh cần xây dựng Kế hoạch công tác trong thời gian cuối năm, tăng cường trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thị để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở, tổng hợp chủ động đề xuất kiến nghị giải pháp tháo gỡ khi vượt thẩm quyền” ông Đô nhấn mạnh.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Điện Biên sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP; tập trung hỗ trợ, cung cấp thông tin, tháo gỡ vướng mắc về chế độ, chính sách xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy bán các sản phẩm hàng hóa cho các Công ty ngoài tỉnh sơ chế để xuất khẩu như: chè, cà phê, mắc ca, chuối, dứa, cao su...; đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong mọi tình huống. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn