Tuy nhiên, như cố nhà báo Hữu Thọ đã từng nhấn mạnh: “Bên cạnh những ưu điểm cơ bản thì báo chí hiện nay cũng có những khuyết điểm, có khuyết điểm nghiêm trọng. Trong các khuyết điểm, có khuyết điểm thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm công dân, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và làm mất uy tín của giới báo chí trong xã hội…”. Ở một khía cạnh khác, nhà báo Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận xét: “Cách suy nghĩ đơn giản hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường để có những tít "giật", cách dùng ngôn từ dễ dãi, thiếu chọn lọc, thiếu trau chuốt nhiều khi mang lại một cảm giác ghê sợ, phản cảm cho người đọc, làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt”. Có một thực tế đáng báo động hiện nay, đó là sự nhiễu loạn thông tin trên báo chí, đặc biệt trên không gian mạng. Bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang tin điện tử chính thống được cấp phép và hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật, còn tồn tại một số lượng khổng lồ các trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng tải hàng triệu thông tin, bài viết, ý kiến trao đổi, bình luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, khía cạnh, mục đích khác nhau mà không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin.
Với tốc độ phát triển của Internet như hiện nay, thật không khó để ai đó có thể lập ra một trang web, blog, facebook… phục vụ cho việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên không gian mạng. Về bản chất, đây là những trang cá nhân, tuy nhiên, những trang này hoàn toàn có thể được xây dựng, hoạt động với các tính năng gần giống với trang thông tin điện tử chính thống. Tuy nhiên, vì là ý kiến của một cá nhân, nên chất lượng, nội dung thông tin phụ thuộc vào khả năng, trình độ hiểu biết, phương pháp luận, ý thức chính trị, pháp luật của người đưa tin mà không có sự sàng lọc, thẩm định tính khách quan, chân thực trước khi đăng tải nên không tránh khỏi sai sót. Bên cạnh đó, việc các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng môi trường mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mại dâm; tuyên truyền những sản phẩm văn hóa đồi trụy, độc hại… thông qua các trang web “đen” hiện nay có dấu hiệu diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, vật chất mà còn trực tiếp tác động làm suy thoái, biến chất tư tưởng, đạo đức lối sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ khi tiếp cận những nguồn tin này.
Gặp gỡ thợ điện Thủy điện Sơn La
Đọc một số báo chí và nhiều trang mạng hiện nay, thấy ít nêu lên những người tốt, việc tốt, gương điển hình, cách thức làm ăn hoặc cách giáo dục tích cực cho trẻ em… mà thay vào đó là nhan nhản tin tức giết người, hiếp dâm, lừa đảo… với những “tít” giật gân, rẻ tiền, câu khách. Báo chí và trang mạng nói quá nhiều về những vụ việc vi phạm đạo đức, những trò thô lỗ,… vô hình chung đã tiếp tay cho những trò lố bịch đua nhau nở rộ. Một bộ phận báo chí và nhiều trang mạng đang góp phần tha hóa độc giả và làm độc giả hoài nghi tất cả.
Ngoài những tác dụng tiêu cực về đời sống, xã hội, việc đưa tin sai sự thật còn là hiểm họa khôn lường đối với doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp bị điêu đứng thậm chí phá phá sản do thông tin thất thiệt. Chỉ cần một thông tin ngắn trên báo, mạng, nói về một sản phẩm hoặc doanh nghiệp nào đó có “vấn đề”, ngay lập tức việc tiêu thụ sản phẩm đó sẽ giảm sút nhanh chóng. Nếu đưa thông tin đúng sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng thông tin sai lệch thì doanh nghiệp nếu thanh minh được thì “má đã sưng”.
Khi sinh thời Bác Hồ đã từng căn dặn những người làm báo: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào? Người làm báo phải thấm nhuần lời dạy đó.
Song Hà