Năm 2016, theo dự báo thời tiết do tác động của hiện tượng El-Nino sẽ làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Tại Lâm Đồng, dự kiến tình hình khô hạn sẽ kéo dài ở các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Trước tình hình này, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã có những động thái tích cực đảm bảo cung cấp điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong toàn tỉnh.
Di Linh là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh, có diện tích canh tác cây cà phê lớn, sử dụng điện cho việc bơm tưới nhiều. Trong những năm qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện tại các huyện, thành phố trong đó có huyện Di Linh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng phụ tải đột biến.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Điện lực Di Linh chia sẻ, ngoài việc tăng công suất trạm, công ty còn tăng cường dây dẫn, điều hòa phụ tải. Song song đó, công ty kết hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền cho người dân tiết kiệm điện và “chạy đua” cùng với người dân đối phó với hạn hán.
Ông Nguyễn Văn Hưng – một người dân ở xã Hòa Ninh chia sẻ, hiện nay đang là mùa khô, tình trạng thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng đang là vấn đề nhức nhối của người nông dân. Tuy vậy, nông dân vẫn luôn được đảm bảo cung cấp điện điện để bơm nước tưới cho cây trồng, đặc biệt trong lúc đỉnh điểm của hạn hán mùa khô năm 2016.
Ông Đoàn Văn Bông, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, chia sẻ những khó khăn của ngành Điện, UBND huyện Di Linh đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho việc chống quá tải lưới điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ bơm tưới và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Di Linh. Đồng thời, UBND huyện Di Linh cũng tích cực chỉ đạo tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả góp phần giải quyết bớt những khó khăn trước mắt”.
Để giải quyết tình trạng tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa chấp thuận đề án cấp điện cho các phụ tải tưới tiêu khu vực tỉnh Lâm Đồng gồm 2 thành phố và 10 huyện với tổng kinh phí giai đoạn 1 của năm 2016 là 35 tỷ đồng. Được biết, đề án này chia làm 4 giai đoạn , kéo dài đến năm 2018 với tổng kinh phí đầu tư gần 240 tỷ đồng.
Hy vọng, với những giải pháp đưa ra, ngành điện sẽ cùng với chính quyền địa phương giúp người dân vượt qua đợt hạn hán kéo dài này mà theo dự báo sẽ chưa dừng lại ở năm 2016./.
Theo Thiên Phương/VOV.VN