Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư phổ biến là hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, 2 phương pháp này thường có nhiều tác dụng phụ bởi liều lượng thuốc (hóa trị) và tia phóng xạ (xạ trị) không chỉ tác động lên các tế bào/mô/cơ quan bị ung thư, mà còn có tác động lên tế bào/mô/cơ quan lành tính, gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và dẫn đến suy giảm sức khỏe người bệnh.
Để hạn chế tác dụng phụ trong điều trị ung thư, phương pháp điều trị trúng đích thông qua các vật liệu nano chứa thuốc để dẫn truyền đến đúng mô/cơ quan bị ung thư (dẫn truyền thuốc trúng đích) được giới khoa học quan tâm nghiên cứu.
Theo PGS. TS Đặng Chí Hiền, thuốc 5-fluorouracil (5-FU) là thuốc kháng ung thư được chỉ định sử dụng điều trị một số bệnh ung thư phổ biến như: Đại tràng, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, vùng đầu cổ và vú. Cơ chế hoạt động của thuốc này dựa vào sự ức chế không thuận nghịch enzyme thymidylate synthase, đồng thời gây tổng hợp sai ở tế bào ung thư.
Thuốc 5-FU được sử dụng chủ yếu theo đường tĩnh mạch do khả năng hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Sau khi tiêm 5-FU, thuốc phân bố và thải trừ nhanh với thời gian bán thải khoảng 8 - 20 phút. Vì thế, nghiên cứu vật liệu thông minh bảo vệ thuốc 5-FU sử dụng qua đường tĩnh mạch là hướng nghiên cứu quan trọng trong chế tạo thuốc thông minh và hướng đích.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tìm kiếm hệ mang thuốc mới dựa trên vật liệu lai ghép từ phức hợp nano vàng AuNPs và dẫn xuất biến tính cyclodextrin (CD) chứa nhóm chức NH2 với những tính chất đặc biệt như có khả năng làm bền hiệu quả và khả năng điều khiển sự giải phóng thuốc ra khỏi hệ chất mang.
PGS. TS Đặng Chí Hiền và các cộng sự đã tổng hợp thành công ba dẫn xuất cyclodextrin chứa nhóm amine tự do biến tính từ CD, đồng thời tổng hợp ba hệ nanocomposite dựa trên AuNPs và các dẫn xuất β-cyclodextrin (CD, HPCD và TMACD) và xác định các tính chất hóa lý của các vật liệu.
Kết quả đánh giá thử nghiệm cho thấy, thuốc 5-FU đã được mang thành công lên các hệ nanocomposite dựa trên AuNPs và dẫn xuất β-cyclodextrin (CD, HPCD và TMACD). Nhóm đã tiến hành xác định các tính chất hóa lý của các vật liệu và so sánh với hệ không mang thuốc.
Kết quả cho thấy hệ AuNPs/TMACD có hiệu quả mang thuốc tốt nhất. Hệ nano dẫn thuốc trong nghiên cứu có khả năng giải phóng thuốc và có khả năng bảo vệ thuốc tốt trong môi trường sinh lý máu (pH 7,4). Cơ chế giải phóng thuốc là do sự trương nở của phân tử cyclodextrin và cơ chế khuếch tán Fickian là yếu tố góp phần kiểm soát giải phóng thuốc.
PGS. TS Đặng Chí Hiền và nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hoạt tính sinh học cho tất cả nguyên liệu dẫn xuất. Kết quả, tất cả nguyên liệu dẫn xuất trong nghiên cứu đều không độc tính với tế bào thường. Hai hệ nanocomposite của nhóm nghiên cứu thể hiện khả năng ức chế tốt trên dòng tế bào ung thư vú MCF-7. Trong đó, hệ nanocomposite 5-FU@AuNPs/TMACD thể hiện hoạt tính vượt trội về khả năng ức chế tế bào ung thư vú.
Theo VietQ