Thứ Tư, 27/11/2024 09:28:33 GMT+7
Lượt xem: 3258

Tin đăng lúc 15-03-2019

Điều tra doanh nghiệp năm 2019: Những đối tượng nào trong diện điều tra?

Từ tháng 3, Tổng cục Thống kê bắt đầu điều tra doanh nghiệp năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương... Vậy những đối tượng nào thuộc diện điều tra doanh nghiệp năm nay?
Điều tra doanh nghiệp năm 2019: Những đối tượng nào trong diện điều tra?

Đối tượng điều tra bao gồm: Các doanh nghiệp được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/ liên hiệp hợp tác xã/ quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 1/1/2019 hiện đang hoạt động; Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp.

 

Nội dung thông tin điều tra gồm: Các thông tin về lao động; giá trị tài sản, nguồn vốn, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho (thu thập thông tin tại hai thời điểm 1/1/2018 và 31/12/2018); Các thông tin thu thập theo thời kỳ như: Kết quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm, chi phí, thuế…sử dụng số liệu chính thức của cả năm 2018.

 

Điểm mới cơ bản của Điều tra doanh nghiệp năm 2019 là thu thập thông tin đánh giá thực trạng về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo; và dịch vụ Logictics. Đây là 2 chuyên đề đang được Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách quan tâm trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

 

Thời gian triển khai thu thập số liệu từ 1/3/2019 đến 19/5/2019. Theo kế hoạch, tháng 10/2019 sẽ công bố kết quả tổng hợp nhanh điều tra doanh nghiệp; Ngày 13/10/2019, đúng ngày Doanh nhân Việt Nam công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương; tháng 12/2019, công bố kết quả đầy đủ điều tra doanh nghiệp và Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019.

 

Kết quả điều tra dùng để tổng hợp các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức năm của ngành Thống kê và là nguồn thông tin cơ bản để xuất bản "Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020".

 

Trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

 

Theo loại hình doanh nghiệp, có 558 doanh nghiệp nhà nước (trong đó 556 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) thành lập mới năm 2018, tăng 10,7% so với năm 2017; 2.726 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% và thành lập mới DN nhiều nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 127.991 DN, tăng 3,1%.

 

Theo khu vực kinh tế, Dich vụ là khu vực có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 nhiều nhất với 94.703 DN, tăng 4,1%, cũng là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong các khu vực; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng với 34.725 DN, tăng 2,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 1.847 DN, giảm 5,5%.

 

Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

 

Nguồn Doanhnghiepvn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang