Rào cản chi phí
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phản ánh với báo chí về thực trạng đưa hàng vào các hệ thống siêu thị. Theo đó, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị phải trả qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số…
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Sài Gòn Food cho biết, tổng mức chiết khấu hàng hóa vào siêu thị Việt Nam chỉ khoảng 10% nhưng đối với các nhà bán lẻ ngoài thì mức này dao động từ 10 – 30%.
Ngoài việc o ép bằng chiết khấu cao, các kênh phân phối còn thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới buộc nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 – 30%, thời gian từ 10 – 30 ngày và mỗi năm thực hiện từ 1 – 3 lần.
Theo ông Trương Phú Chiến- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica, nhiều hệ thống o ép doanh nghiệp sản xuất đến ngạt thở. Hàng vào siêu thị chỉ mong huề vốn là mừng rồi.
Ông Trương Phú Chiến lý giải, tiền thuê quầy kệ ở siêu thị dao động từ 40 – 80 triệu đồng trong khi đó doanh thu chỉ khoảng 100 triệu. Bất cập về chi phí quầy kệ khi hàng vào siêu thị đưa doanh nghiệp vào thế ngao ngán. “Công ty chúng tôi đồng ý thuê quầy kệ ở một siêu thị với giá 1,2 tỷ đồng/năm. Nhưng đến năm 2016, siêu thị đòi tăng giá chóng mặt, với mức 2,2 tỷ đồng/năm. Bibica không chịu và lên tiếng, trường hợp siêu thị tăng giá quầy kệ Bibica sẽ rút hàng khỏi hệ thống” – vị này nói.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đưa hàng vào siêu thị là không có lãi, thậm chí lỗ nhưng vẫn phải cố gắng để đưa vào khẳng định thương hiệu. |
Trao đổi với báo chí về thực trạng này, ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết, tổng các loại chiết khấu hiện vào khoảng 20 – 30% giá bán. Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15 – 30%, thời gian 10 – 30 ngày và mỗi năm từ 1 đến 3 lần.
Ngoài ra, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt các loại phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số và nhiều loại phí được tăng định kì hoặc bất thường, chẳng hạn chiết khấu thương mại hằng năm đều tăng từ 1 – 3%.
Không tiết lộ tên cụ thể là siêu thị nào nhưng ông Phạm Ngọc Hưng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào siêu thị ngoài chiết khấu, phí các loại còn phải chi tiền “lót tay” từ sếp đến lính.
Cụ thể, muốn mở mã hàng trong một hệ thống siêu thị, ngoài khoản phí theo quy định của siêu thị, doanh nghiệp phải lót tay từ 10 – 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.
Các công đoạn tiếp theo cũng đều phải lót tay cho bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ… Ngay cả nhân viên nhập hàng cũng phải lót tay nếu không muốn đường đi của hàng hóa đến tay người tiêu dùng gặp trở ngại.
Siêu thị nói gì?
Phản hồi về vấn đề này, bà Bùi Hạnh Thu – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op đang thực hiện mức chiết khấu hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tại thời điểm khó khăn như lúc này. Đối với những sản phẩm mới chào hàng vào siêu thị, theo bà Thu, siêu thị phải xem xét mặt hàng chào giá ra sao, có sản phẩm cùng loại hay không, doanh số bán hàng thế nào, giá cạnh tranh không… Tóm lại, nếu mặt hàng đáp ứng được nhu cầu thị trường thì sẽ được đưa vào.
Ở một góc độ khác, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhìn nhận, hiện nay mức chiết khấu ở các hệ thống siêu thị dao động từ 2 đến 20%, tùy ngành hàng. “Vấn đề chiết khấu luôn là cuộc đua của các siêu thị. Thị trường bán lẻ Việt còn ‘nửa nạc nửa mỡ’ nên các nhà bán lẻ còn tung hoành, giấu tỷ lệ chiết khấu, chứ như ở các quốc gia khác trên thế giới các con số này rất rõ ràng và doanh nghiệp có quyền chọn nhà phân phối phù hợp”, ông Phú nói.
Về phía các nhà cung ứng hàng, ông Phú khuyên các doanh nghiệp nên xem lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường. Nếu cảm thấy nhà bán lẻ chèn ép quá đáng thì có thể kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc để xem xét vụ việc.
“Hiện nay không chỉ các doanh nghiệp thủy sản mà công ty trong các nhóm ngành thực phẩm, nước giải khát, gia vị… cũng vướng phải tình trạng bị chèn ép tại các hệ thống siêu thị nội cũng như ngoại. Do đó, các doanh nghiệp nên biết cách liên kết với nhau và khơi gợi quyền lực người tiêu dùng đứng về phía mình, có như vậy mới có thể trấn áp được các nhà phân phối”, ông Phú chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, thực trạng các hệ thống siêu thị gia công và bán sản phẩm mang tên nhãn hàng riêng với giá rất cạnh tranh khiến doanh nghiệp bên ngoài chỉ còn gia công và phát triển theo yêu cầu của siêu thị, khó có thể định hướng phát triển cho mình.
“Một vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa, hai phía đều có mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp bán hàng có lợi nhuận thì siêu thị cũng sẽ lời nhiều.
Việc liên kết của các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng tạo áp lực lại với nhà phân phối nước ngoài như phản ứng của các doanh nghiệp thủy sản vừa qua cũng là một kinh nghiệm”, ông Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.
Lam Chung tổng hợp/enternews.vn