Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 73.404 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 567.900 tỉ đồng, tăng 19,7% về số DN và tăng 50,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu về số lượng DN tăng vốn điều lệ, số vốn được tăng thêm đều tăng mạnh so với giai đoạn trước.
30 giờ chỉ còn 30 phút
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nhận định việc triển khai Luật DN đã giải phóng quyền tự do kinh doanh, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường, đột phá trong quản lý con dấu và nhất là thay đổi tư duy quản lý nhà nước. Từ đó, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng gia nhập thị trường trong cộng đồng. Luật DN quy định các DN được kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm, nâng cao sự chủ động cho DN; đồng thời, Luật Đầu tư công khai ngành nghề cấm kinh doanh và công khai các ngành nghề kinh doanh có điều kiện giúp DN dễ dàng trong việc tra cứu.
Ông Tuấn dẫn chứng quá trình triển khai Luật DN giúp cộng đồng DN giảm chi phí gia nhập thị trường với tỉ lệ trả hồ sơ đúng hẹn và tỉ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tăng cao. Ở một số địa phương như Sơn La, tỉ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu lên tới 98,28%, Vĩnh Phúc 97,16% và TP HCM 93,7%; trong khi tỉ lệ trả hồ sơ đúng hẹn ở Bắc Kạn là 100%, Sơn La 98,97% và Đà Nẵng 92,97%...
Thời gian trung bình xử lý hồ sơ thành lập mới, hồ sơ đăng ký thay đổi ở nhiều địa phương cũng thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Thời gian cấp mã số DN trung bình chỉ còn 30 phút so với trước đây là 30 giờ, toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đã được tự động hoàn toàn.
Khi triển khai Nghị định 78 của Chính phủ về đăng ký DN, cơ quan nhà nước cũng áp dụng cơ chế “im lặng là đồng ý”. Theo đó, khi thông báo ngành nghề kinh doanh, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, địa điểm kinh doanh, mẫu dấu…, DN có thể không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để nhận kết quả mà các kết quả này được công khai tại Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, Luật DN và Luật Đầu tư được áp dụng đã giúp thay đổi tư duy quản lý nhà nước từ “quản lý” sang “phục vụ”. Chính sách quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về thành lập, hoạt động của DN giúp tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động DN.
Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi, theo nhiều DN và các sở - ngành, địa phương, quá trình triển khai Luật DN, Luật Đầu tư vẫn còn một số vướng mắc phát sinh. Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho rằng liên quan đến thủ tục góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định trong Luật Đầu tư, không cần lập dự án, thủ tục xin phép nên có tình trạng nhà đầu tư ngoại mượn danh người Việt lập DN rồi góp vốn mua cổ phần. Cơ quan quản lý không có hồ sơ để giám sát và quản lý nên phải sửa quy định này theo hướng quản lý chặt hơn thay vì để kẽ hở như hiện nay.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết sau 1 năm áp dụng Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi, cộng đồng DN rất hài lòng, kết quả là số DN thành lập mới thời gian qua tăng cao. Tuy nhiên, về giấy phép con, mặc dù có giảm nhưng chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân không nằm ở các văn bản, quy định nhà nước mà ở ý chí chủ quan của những cá nhân, đơn vị thực thi pháp luật. Thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành thay vì giúp luật đi vào đời sống dễ dàng hơn lại có phần làm rắc rối, làm khó DN.
“Mặc dù còn có một số vướng mắc nhưng chủ yếu mang tính chất cá nhân của từng DN chứ không mang tính đại diện cho cả cộng đồng DN. Còn quá sớm để nghĩ đến chuyện đúc kết, điều chỉnh, sửa đổi 2 luật này một lần nữa” - ông Mười nhận xét.
Theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ KH-ĐT, vướng mắc liên quan đến thủ tục của nhà đầu tư nước ngoài không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Tại TP HCM, có thời điểm cơ quan quản lý tạm dừng việc cấp phép góp vốn mua cổ phần cho nhà đầu tư ngoại khi chưa rõ quan điểm nhà đầu tư ngoại có phải lập dự án và hồ sơ xin cấp phép hay không.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng thực tế hiện nay thủ tục góp vốn mua cổ phần của các DN trong nước khá lỏng lẻo và chính Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã yêu cầu xem xét lại quy định này để vừa mở cửa nhưng phải kiểm soát được. Như ở Đà Nẵng, rất nhiều DN nước ngoài góp vốn mua cổ phần của DN Việt ở những vùng rất nhạy cảm nhưng không phải vì một số hiện tượng tiêu cực mà lại siết chặt toàn bộ DN.
“Chúng tôi sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn các trường hợp DN phải thực hiện góp vốn, mua cổ phần như đối với một số ngành nghề nhạy cảm, có tính chất quan trọng như chuỗi bán buôn - bán lẻ, sân bay, bến cảng, cảng biển… Ở một số vùng nhạy cảm như biên cương, hải quan, ven biển, nhà đầu tư ngoại góp vốn mua cổ phần phải báo cáo cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và chúng tôi đang tiếp tục đề xuất bổ sung quy định phù hợp hơn” - ông Hùng thông tin.
Nguồn Người lao động