Xuất khẩu “ngấm đòn”
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư, bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã tác động mạnh mẽ tới sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may, da giày. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành da giày Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự, xuất khẩu đạt 920 triệu USD, giảm 8% so với tháng 8/2021 và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo khảo sát của VITAS và Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), gần 70% doanh nghiệp dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm. Người lao động của hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ, trên 60% người lao động di cư, muốn về quê hoặc đã về quê.
Kết quả khảo sát 256 doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày của TS. Đỗ Quỳnh Chi - Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cùng nhóm cộng sự - cũng đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa về doanh nghiệp hai ngành. Cụ thể, tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, có tới 65,3% doanh nghiệp nội địa đã ngừng hoạt động trong tháng 9, trong khi đó 62,7% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được sản xuất. Số doanh nghiệp duy trì được sản xuất thì chi phí cho công tác phòng chống dịch, sản xuất 3 tại chỗ ở mức khổng lồ. Bình quân, 1 doanh nghiệp có quy mô 1.000 công nhân mất khoảng 2,2 tỷ đồng mỗi tuần, trong khi thời gian thực hiện 3 tại chỗ là 10,4 tuần.
Kết quả khảo sát về tiến độ giao hàng của nhóm nghiên cứu ERC cũng cho thấy, có tới 48,4% số doanh nghiệp cho biết đã bị chậm giao hàng, 23,8% doanh nghiệp chưa rõ có thể hoàn thành đơn hàng hay không, 19,9% doanh nghiệp đã bị huỷ đơn hàng và chỉ 18% số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng. Bày tỏ hệ luỵ về việc không đảm bảo tiến độ giao hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết, khách hàng đã huỷ giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất sang Trung Quốc và Indonesia. Nhiều nhãn hàng thông cảm, cho chậm giao hàng nhưng doanh nghiệp phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không, thậm chí phải giảm 15% giá đơn hàng. “Đáng lo, đơn hàng của 2 ngành trong mùa mới năm 2022 đã bị dừng hoặc giảm số lượng”, TS. Nguyễn Quỳnh Chi thông tin thêm.
Chật vật khôi phục sản xuất
Tại buổi Đối thoại trực tuyến “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam”, diễn ra gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch VITAS - cho hay: Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cạn dòng tiền, chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, quy định phòng chống dịch giữa các địa phương rất khác nhau, nhất là quy định về việc di chuyển giữa các địa phương, các vùng trong cùng 1 địa phương. Cùng đó là vấn đề thiếu lao động khiến con đường mở cửa sản xuất của doanh nghiệp dệt may rất chật vật.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch LEFASO - bày tỏ: Điều kiện mở cửa sản xuất quá phức tạp và lưu thông không thuận lợi giữa các địa phương là cản trở lớn. “Đã có doanh nghiệp bức xúc quá, cứ mở cửa sản xuất trước rồi chịu phạt sau. Đấy là thực tế đang diễn ra, nếu không nới lỏng các điều kiện sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoặc phá sản hoặc phá rào để quay trở lại sản xuất”, bà Xuân nói.
Xuất phát từ những khó khăn thực tế, đại diện LEFASO, VITAS đề xuất, các địa phương, bộ ngành linh hoạt trong thực hiện các quy định giúp doanh nghiệp thuận lợi khi mở lại sản xuất, trong đó, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho sản xuất là quan trọng nhất. Chính phủ sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động tại các địa phương không phải tâm dịch nhằm tạo lực lượng lao động xanh, cũng đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho người lao động quay trở lại làm việc. Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp có dòng tiền khôi phục sản xuất trong quý IV/2021 và cả năm 2022, miễn giảm phí bảo vệ môi trường của quý…
Về phía các nhãn hàng, “chúng tôi mong muốn nhãn hàng tiếp tục duy trì việc đặt hàng tại Việt Nam. Cùng phối hợp xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày và đưa ra giải pháp cụ thể, khuyến nghị với Chính Phủ Việt Nam những cơ chế chính sách giúp cho hai ngành có điều kiện phát triển thuận lợi hơn nữa”, bà Xuân nhấn mạnh.
Khẳng định chuỗi cung ứng dệt may, da giày đã được thiết lập khá sâu ở Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - kêu gọi: “Nhãn hàng tiếp tục tin tưởng vào chính quyền và doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động sản xuất ở mức cao nhất, từ đó giúp các nhãn hàng duy trì và mở rộng sản xuất trong thời gian tới”.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Doanh nghiệp có thể xây dựng tổ, phòng y tế hướng dẫn người lao động thực hiện phòng dịch, khi có vấn đề liên quan, đây sẽ là lực lượng tại chỗ cho doanh nghiệp xử lý dịch bệnh. Phương án này cũng giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng có 1 ca F0, cả nghìn lao động phải nghỉ việc, cách ly. |
Theo Congthuong