Theo ông Cao Đình Phong- Giám đốc Công ty Thêu xuất khẩu Vân Anh (Cụm công nghiệp An Xá, Nam Định): Hội nhập kinh tế quốc tế có tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh của sản phẩm. Thêu xuất khẩu là ngành gia công, đã thực sự hội nhập từ nhân lực, kỹ thuật và giá trong cả khu vực ASEAN và có độ dịch chuyển rất cao. Cùng một đơn hàng, giá của nhà sản xuất Việt Nam cao hơn, ngay lập tức chuyển sang các nước khác trong khu vực.
Cũng theo ông Cao Đình Phong, đầu tư cho công nghệ sản xuất là giải pháp Công ty Vân Anh chọn nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Công ty Vân Anh đã đầu tư 10 chiếc máy thêu tự động công nghệ của Hàn Quốc và Nhật Bản trị giá từ 750 triệu -1 tỷ đồng/máy. “Nguồn vốn đầu tư lớn nhưng sản phẩm làm ra đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao của các nhà nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, giá thành giảm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên”- ông Phong nói.
Là cơ sở đầu tiên tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) phát triển dòng sản phẩm gốm mạ kim loại, anh Trần Đức Tân- Chủ nhiệm Hợp tác xã gốm sứ Tân Thịnh- cho biết: Dòng gốm mạ kim loại là sự kết hợp giữa chất liệu gốm sứ truyền thống với công nghệ mạ kim loại hiện đại. Dòng sản phẩm này có độ bền cao, phù hợp với xu hướng trang trí mới nên được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tốt, tuy nhiên, giá thành cao.
Anh Tân cũng cho biết: Hợp tác xã Tân Thịnh đang huy động đầu tư dây chuyền sản xuất gốm mạ kim loại, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm cả xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc nhằm công nghiệp hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Thực tế, trước vấn đề hội nhập không ít doanh nghiệp như: Vân Anh, Tân Thịnh… dành sự quan tâm và chuẩn bị khá tốt. Những điển hình này cho thấy, thông tin về hội nhập đã phần nào được thẩm thấu vào khu vực doanh nghiệp làng nghề.
Tuy nhiên, doanh nghiệp làng nghề vẫn được đánh giá dễ tổn thương nhất trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước do có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam- lo lắng: Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước được ký kết, nhiều dòng thuế sẽ chỉ còn 5% – 0%; hàng hóa tràn vào thị trường trong nước, khi đó làng nghề, doanh nghiệp làng nghề sẽ chịu thêm sự cạnh tranh gay gắt. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp làng nghề hiện rất “ngơ ngác” trước vấn đề này. Điều này đáng lo bởi các nước trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia… sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất tinh xảo, giá thành hợp lý, Chính phủ các quốc gia này cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển…
Theo ông Vũ Quốc Tuấn- Chủ tịch Hội đồng tư vấn- Hiệp hội Làng nghề Việt Nam- để không bị tác động xấu trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước, doanh nghiệp làng nghề cần tích cực, chủ động tiếp cận thông tin, điều chỉnh kịp thời sản xuất phù hợp với thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực…
Ông Vũ Quốc Tuấn- Chủ tịch Hội đồng tư vấn- Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Bên cạnh đầu tư cho công nghệ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cần cải tiến mẫu mã sản phẩm; sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thị trường cần. |
Theo Báo Công Thương Điện Tử