Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26,9% so với tháng trước. Mặc dù chưa thể đạt được con số như cùng kỳ năm trước, song mức tăng này là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sức mua đã cải thiện đáng kể sau thời gian ảm đạm do giãn cách xã hội. Tuy vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, vẫn giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa theo hướng bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ. Rà soát, lồng ghép ngay các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình, hoạt động được giao triển khai thực hiện như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tuyên truyền, quảng bá và kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sau dịch thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Từ góc độ địa phương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đang triển khai các giải pháp, kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất phân phối ngay tại thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, nhất là với mặt hàng nông sản. Cũng theo đại diện Sở này, để có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cần nắm bắt đúng thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, khu vực khách hàng. Đồng thời, cải tiến mẫu mã, cơ cấu lại khâu sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng cho thị trường trong nước…
Theo VietQ