Tồn kho cao
Chia sẻ tại Tọa đàm "Thị trường đồ uống 2017 và dự báo xu hướng năm 2018" diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho biết: 9 tháng đầu năm, ngành đồ uống đạt mức tăng trưởng 7,1% nhưng tồn kho tăng đến 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự bất ổn trong sản xuất, kinh doanh của DN. Cụ thể, chỉ với riêng lĩnh vực bia, năm 2017, có DN tăng trưởng 5% nhưng một số DN giảm 5 - 10%. Như vậy, nhà nước đã thất thu ngân sách từ 150 - 200 tỷ đồng đối với mỗi DN lớn.
Phân tích cụ thể, VBA cho hay, hai năm trở lại đây, áp lực của các DN trong ngành càng tăng khi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp cho mặt hàng bia, rượu tăng cao. Theo lộ trình tăng thuế, từ năm 2018, thuế TTĐB sẽ ở mức 65%, tăng thêm 5% so với năm 2017. Về tính cơ học, thuế tăng thì giá bán tăng, nhưng ở ngắn hạn, chưa nhìn thấy sự tác động lớn mà phải sau 2 - 3 năm mới có thể bao quát được.
Dự báo về thị trường đồ uống năm 2018, ông Việt cho rằng, khó có thể tăng trưởng cao. Bởi lẽ, nhu cầu tiêu dùng của người dân thay đổi theo điều kiện thu nhập thực tế. Mặt khác, chính sách thuế và áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng là lực cản đến sự tăng trưởng. "Thuế TTĐB có thể tiếp tục tăng cùng việc điều chỉnh các loại thuế khác càng gây khó cho ngành này" - ông Việt quan ngại.
Cần chính sách ổn định
Mặc dù ngành đồ uống đã được cải thiện nhiều về công nghệ nhưng DN trong nước vẫn yếu thế về trình độ quản lý, phát triển sản phẩm, thị trường. Do đó, các DN cho rằng, việc tăng thuế TTĐB sẽ dẫn đến hệ lụy lớn. Bởi khi thuế tăng, chi phí giá thành đội lên, sản phẩm của DN Việt sẽ gặp khó ở đầu ra. Trong khi đó, hàng hóa ở các nước Lào, Campuchia… ồ ạt vào Việt Nam thông qua chính sách mở cửa từ hiệp định thương mại với Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chưa kể đến, các thương hiệu đồ uống cũng phải cạnh tranh thêm với nhiều đối thủ mới do DN có vốn ngoại phát triển. Đặc biệt, việc tăng thuế cao sẽ là cơ hội để hàng lậu trốn thuế "đổ bộ" vào thị trường.
Ông Shivam Misra - Chủ tịch Hiệp hội Rượu mạnh, rượu vang châu Âu - cho rằng, tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng phải trả thêm chi phí. Mặt khác, việc tăng thuế tạo điều kiện thuận lợi cho đồ uống không chịu thuế của các nước tràn vào thị trường Việt Nam. Ông Shivam Misra nhấn mạnh thêm, Chính phủ nên cân nhắc bảo vệ người tiêu dùng hơn nữa, thay vì tăng thu thuế TTĐB.
Theo VBA, năm 2016, chỉ riêng lĩnh vực bia nộp ngân sách 45.299 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm 2017, chỉ đóng góp được 20.987 tỷ đồng. Với lĩnh vực nước giải khát và rượu khả quan hơn. Năm 2016, ngành nước giải khát đóng thuế 1.883 tỷ đồng, 1.240 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017; ngành rượu đã nộp ngân sách 1.130 tỷ đồng (năm 2016) và 701 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đánh giá chung toàn ngành, mức độ đóng góp của ngành đồ uống cho ngân sách tăng mạnh trong những năm qua: 25.783 tỷ đồng năm 2014, 34.511 tỷ đồng năm 2015 và 48.313 tỷ đồng trong năm 2016.
Từ thực tế này, VBA đề xuất, việc xây dựng các chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài, với thời gian áp dụng tối thiểu là 10 năm. Tiếp đó, mỗi chính sách khi đưa ra cần có sự đánh giá tác động tránh ảnh hưởng đến DN, làm xáo trộn sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA: Cuối năm là thời điểm kinh doanh chính của ngành đồ uống nhưng với lượng tồn kho lớn như hiện tại, khó có thể thúc đẩy sản xuất hơn. Khi hàng tồn nhiều, DN không dám mạo hiểm tăng giá cao cũng như "găm" hàng. Do vậy, chắc chắn không có tình trạng khan hiếm nguồn hàng hay tăng giá vào dịpTết Nguyên đán sắp tới. |
Nguồn Báo Công Thương