Theo Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAV), tính đến thời điểm này, số thành viên của hiệp hội là trên 1.600, đứng thứ 3 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, JBAV cho biết, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, các thành viên của hiệp hội đang gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành hàng ngày.
Chênh lệch chi phí sản xuất sẽ tới 20%
Trong số các khó khăn mà JBAV đề cập tới, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến ngành công nghiệp ôtô.
JBAV cho biết, sản lượng của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Thái Lan và Indonesia. Do vậy, khi các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam tiến hành nội địa hóa nhiều hơn nữa khi sản lượng còn nhỏ, thì phần lớn sẽ làm tăng chi phí.
Vì lý do đó, hiện nay, các nhà sản xuất ôtô Việt Nam vẫn phải NK phần lớn các linh kiện CKD (Completely Knocked Down: Xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được NK).
Theo JBAV, do NK phần lớn linh kiện CKD, các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam phải chịu chi phí đóng gói, vận chuyển rất cao, hơn nữa họ còn phải đóng thuế nhập khẩu linh kiện. Vì vậy chi phí sản xuất ôtô tạo Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
Hiện nay, sản xuất ôtô trong nước đang được bảo hộ bởi thuế NK xe nguyên chiếc ở mức cao. Tuy nhiên, các DN Nhật lo ngại sau năm 2018, khi thuế NK từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia, vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.
Cùng với đó, Báo cáo của Nhóm công tác công nghiệp ôtô - xe máy (Diễn đàn DN Việt Nam), cho biết chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan hay Indonesia.
“Các nhà sản xuất ôtô trong nước sẽ phải đối mặt với một tình huống khó khăn để tiếp tục sản xuất trong nước khi mà dòng chảy của nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí được NK từ Thái Lan và Indonesia”, Nhóm công tác ôtô - xe máy dự báo. Trong khi đó, theo Nhóm công tác này, chính sách khuyến khích sản xuất nêu ra tại Điều 5-1 của Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một biện pháp quan trọng cho các công ty ôtô. Tuy nhiên, chính sách hiện tại vẫn còn chung chung và gây khó khăn cho DN trong việc chuẩn bị các đề xuất dự án để có thể hưởng ưu đãi từ chính sách này.
Bỏ thuế nhập khẩu linh phụ kiện
Trước thực trạng trên, JBAV đã gửi tới hai Bộ Tài chính và Công Thương 2 đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô trong nước, nhằm cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất tại Việt Nam.
Thứ nhất, nhằm giảm thuế NK linh kiện để giúp các nhà sản xuất cắt giảm chi phí sản xuất, JBAV kiến nghị giảm thuế NK linh kiện CKD theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về 0% từ 2018.
Thứ hai, JBAV kiến nghị Chính phủ Việt Nam làm rõ nội dung và yêu cầu của chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước Chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã được quy định tại Điều 5-1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 229/QĐ-TTg ngày 4/2/2016.
JBAV cho rằng, đây là chính sách rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chính sách hiện nay vẫn chưa rõ ràng, vì vậy rất khó khăn để các nhà sản xuất chuẩn bị dự án sản xuất để xin hưởng hỗ trợ của Chính phủ.
Trong quá trình làm rõ nội dung ưu đãi và các yêu cầu cụ thể đối với dự án, JBAV xin kiến nghị Bộ Công Thương thành lập tổ công tác liên ngành, gồm các Bộ: Công Thương, Tài chính, KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ để vạch kế hoạch và mục tiêu hành động. JBAV cũng kiến nghị Bộ Công Thương lấy ý kiến của các nhà sản xuất ôtô về vấn đề này.
Nhóm công tác cũng kiến nghị loại bỏ tất các loại thuế NK cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam vẫn chưa sản xuất được, để tăng sức cạnh tranh về giá cho các sản phẩm sản xuất trong nước.
Đồng thời, áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và minh bạch trong việc NK xe nhập nguyên chiếc. Đặc biệt, ban hành những chính sách hấp dẫn có liên quan để đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp ôtô.
JBAV cho biết, rất quan ngại sâu sắc về tiến độ thực hiện lộ trình khí thải Euro 4 dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2017. Theo đó chỉ còn hơn 2 tháng nữa trước khi áp dụng khí thải Euro 4 nhưng tình hình hoàn toàn không rõ ràng vì cho đến nay lộ trình giới thiệu nhiên liệu Euro 4 vẫn chưa được công bố. Theo định hướng của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và thực hiện quyết định 49, các nhà sản xuất ôtô đã tiến hành công tác chuẩn bị trong suốt 6 năm qua và hiện nay đã sẵn sàng cho việc nâng cao xe từ Euro 2 lên Euro 4 trước ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, cho tới nay nhiên liệu Euro 4 vẫn được cung cấp ra thị trường. JBAV rất lo ngại về việc xe tiêu chuẩn Euro 4 phải sử dụng nhiên liệu Euro 2. Việc này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, độ bền cũng như khí thải của động cơ, gây bất lợi tới môi trường và ảnh hưởng quyền lợi của người sử dụng xe. |
Nguồn Thời báo Kinh doanh