Doanh nghiệp cần được ‘tiếp sức”
Còn nhớ cách đây không lâu, Campuchia bất ngờ công bố ra thị trường chiếc xe ô tô đầu tiên do nước này sản xuất mang tên Angkor EV. Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ bởi Campuchia là một nước có ngành chế tạo còn non trẻ và là đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Sự ra đời của Angkor EV khiến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cảm thấy hụt hẫng do sự phát triển chậm chạp, kỹ thuật lạc hậu cũng như những thiếu linh kiện đơn giản như ốc vít, dây điện… thậm chí khiến các Tập đoàn lớn như Mazda, Ford nản lòng đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản.
Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, từng là doanh nghiệp có thế mạnh trong việc sản xuất các dòng xe tải với mục tiêu sản xuất xe hơi “made in Vietnam” bao năm nhưng không được tiếp sức, mới đây ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã gửi báo cáo lên Thủ tướng và các bộ ngành về tình trạng bế tắc giấc mơ xe hơi “made in Vietnam” hiện nay của Vinaxuki.
Ông Huyên cho biết, bao năm qua ông đã chạy khắp các cửa mà không vay được vốn, dù Vinaxuki có đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, và đã làm ra được những sản phẩm cơ khí trọng điểm với mức nội địa hoá trên 40%.
“Chúng tôi chỉ xin được cứu giúp, xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ đồng vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kỹ sư trong lúc thị trường ôtô tăng nóng 45 -56% mà không được. Chi nhánh ngân hàng thì không có quyền xét duyệt cho vay, xin gặp cấp trên để trình bày dự án cũng không được, mời lãnh đạo cấp trên xuống thăm dự án cũng không ai xuống” – ông Huyên cho biết.
Ông Huyên cũng cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp ô tô thành công, Chính phủ các nước đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. “Nếu dành số vốn đầu tư cho công nghiệp ô tô tương đương với công nghiệp tàu thủy thời gian qua thì ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã khác” – ông Huyên ao ước.
Quan trọng là… chính sách
Các chuyên gia cho rằng, hơn 10 năm qua, cơ quan quản lý đã đưa ra được chiến lược phát triển nhưng chính sách nuôi dưỡng ngành ô tô vẫn còn ít, gần như chỉ có những ưu đãi cho lắp ráp. Các doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp xe được ưu đãi thuế nhập khẩu thấp bằng ½ – 1/3 so với nhập khẩu xe nguyên chiếc. Vì thế, chỉ cần doanh nghiệp đầu tư 1 dây chuyền đơn giản chi phí thấp, thực hiện 4 công đoạn cuối cùng là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định, rồi nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp là được ưu đãi thuế. Như vậy, sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa.
Nếu chỉ ưu đãi về lắp ráp thì khó hình thành ngành công nghiệp ôtô vì lắp ráp chỉ chiếm 6% giá trị một chiếc xe. Việc sản xuất những phụ tùng cốt lõi như thân, vỏ xe và hộp số động cơ đến nay chưa được chú ý dù có đầu tư, sản xuất thì không nhận được ưu đãi.
Nguyên nhân của việc Việt Nam không có tên trên bản đồ ô tô thế giới xuất phát từ chính chiến lược phát triển ngành. Theo đó, ưu tiên của Việt Nam chỉ tập trung vào lắp ráp, chứ chưa chú trọng sản xuất ô tô chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một lý do cho sự thất thế của ngành công nghiệp nước ta.
Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận chiến lược phát triển ô tô trước đây không được thành công. Do vậy Bộ trưởng khẳng định trong thời gian tới Việt Nam sẽ cố gắng tập trung vào một phân khúc, một dòng xe nào đó, với một thương hiệu nào đó để Việt Nam tham gia vào chuỗi của họ và định vị phân khúc phù hợp với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việc này cũng đồng nghĩa với việc giấc mơ ô tô “made in Vietnam” sẽ đi vào ngõ cụt?.
Ở khía cạnh khác, ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Vinaxuki vẫn có niềm tin Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất phụ tùng, sản xuất các dòng xe chiến lược với mức nội địa hoá ngày càng tăng, chất lượng ổn định dần với chính sách đúng. “Quan trọng nhất có lẽ là việc thực thi chính sách, Chính phủ phải bảo vệ, đừng bỏ mặc doanh nghiệp cô đơn khi họ đầu tư theo chiến lược, quy hoạch của Chính phủ” – ông bày tỏ.
Nguồn Enternews