Doanh nghiệp VLXD là hạt nhân giảm phát thải ngành xây dựng
Trong xu thế xanh hóa toàn cầu, ngành VLXD cũng theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và sản xuất VLXD theo hướng sản xuất xanh.
Trong nghiên cứu của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) cho thấy, ngành xây dựng chiếm 40% mức sử dụng năng lượng trên toàn thế giới, với ước tính đến năm 2030, lượng khí thải từ các tòa nhà thương mại sẽ tăng 1,8%. Điều này tạo ra nhu cầu cấp thiết về việc phát triển các vật liệu xây dựng có khả năng giảm thiểu lượng lớn khí thải carbon, tái sử dụng tài nguyên sinh học và ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.
Trong nhiều diễn đàn và hội thảo về hướng đi cho ngành VLXD, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp VLXD. Theo PGS.TS Tống Tôn Kiên - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng VLXD Nhiệt đới (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), phát triển VLXD nguồn gốc sinh học là xu hướng tất yếu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Một ví dụ điển hình là Chính phủ Hà Lan đặt mục tiêu ngành xây dựng hoàn toàn tuần hoàn vào năm 2050. Nhà vi sinh vật học Hendrik Jonkers thuộc Trường Đại học Công nghệ Delft đã phát minh ra loại bê tông vi khuẩn có khả năng tự hàn kín các vết nứt, lỗ rỗng mỗi khi chúng xuất hiện. Vi khuẩn Bacillus pseudofirmus hoặc Sporosarcina pasteurii được Jonkers lựa chọn có thể sống tới 200 năm mà không cần ô-xy và thức ăn. Khi gặp nước, chúng sẽ tỉnh dậy, sử dụng sữa calcium làm nguồn thức ăn và tiết ra chất đá vôi để tự lấp kín vết nứt.
Tại Pháp, chính phủ đã công bố kế hoạch đảm bảo tất cả các tòa nhà công cộng mới được xây dựng từ ít nhất 50% gỗ hoặc các vật liệu tự nhiên khác. Pháp cũng đang nghiên cứu sử dụng nấm để hình thành các loại đá tự nhiên, với tốc độ nhanh hơn và chi phí sản xuất về năng lượng cũng như quá trình phát thải carbon thấp hơn.
Hướng đi cho Việt Nam
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có quy định cụ thể về sản xuất và sử dụng VLXD có nguồn gốc sinh học, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”, trong đó khuyến khích phát triển các sản phẩm VLXD tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, phế thải và các sản phẩm vật liệu bền vững, thân thiện môi trường.
Các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp, cải tạo công nghệ và thiết bị của các nhà máy sản xuất VLXD hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần đầu tư vào các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất VLXD, sử dụng rác thải thay thế nhiên liệu đốt, và phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên.
Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm VLXD, phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu thị trường, đồng thời tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clanhke xi măng, đá ốp lát để đảm bảo tính cạnh tranh và phù hợp với Hiệp định CPTPP. Các biện pháp chống bán phá giá, phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ được chú trọng.
Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện hệ thống thể chế, công cụ quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư xây dựng. Nâng cao năng lực ngành xây dựng để đảm nhận các khâu quản lý, thiết kế, mua sắm, thi công các công trình xây dựng hiện đại và phức tạp. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, và có hàm lượng công nghệ cao.
Việt Nam đang tích cực triển khai nghiên cứu và ứng dụng các VLXD bền vững, giảm phát thải carbon, thân thiện với môi trường nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành xây dựng.
Theo Vietq.vn