Tiến sĩ Đỗ Thế Cần, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, là người chủ trì nhóm nghiên cứu hệ thống xử lý pin thải trong Dự án 5RTech. Dự án được khởi động từ năm 2021 tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án hiện thực hóa ý tưởng tái chế pin mặt trời, vừa phát triển dây chuyền công nghệ gồm 5 công đoạn khép kín.
Công nghệ 5RTech chủ yếu sử dụng phương pháp cơ học thay vì gia nhiệt, vừa giảm chi phí tái chế, vừa hạn chế phát thải gây hại môi trường. Khi tiếp nhận pin thải, hệ thống sẽ phân loại, đánh giá mức độ hư hại; nếu còn khả năng sử dụng, pin sẽ được tái sử dụng trong nông nghiệp. Với các tấm pin hỏng hoàn toàn, dây chuyền sẽ tiến hành tháo dỡ, tách riêng các thành phần như khung nhôm, kính cường lực, kim loại, dây bạc đồng, silicon... Các vật liệu sau khi xử lý có thể tái sử dụng trong trồng trọt hoặc làm nguyên liệu xây dựng.
Sau hơn hai năm, dây chuyền hoàn thiện và hiện đặt tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Tỷ lệ thu hồi vật liệu đạt tới 92%, đồng thời hệ thống cho phép linh hoạt từng công đoạn theo nhu cầu đối tác.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Thành Nhân (Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT), đồng thực hiện dự án, khẳng định: “Dự án vừa thân thiện môi trường, vừa có giá trị kinh tế, vì chi phí xử lý thấp hơn nguồn thu từ các vật liệu tái sử dụng. Đây cũng là một mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình do người Việt làm chủ”.
Hiện 5RTech là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu công nghệ tái chế pin mặt trời, sẵn sàng mở rộng hợp tác và xuất khẩu công nghệ. Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước đã ký kết hợp tác, 3 đối tác từ Nhật Bản cũng đang đặt vấn đề hợp tác. Đơn vị đang tích cực đáp ứng điều kiện hoạt động chính thức trong khu R&D của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Hoa Kỳ 2025 (SelectUSA Investment Summit), 5RTech là dự án khởi nghiệp duy nhất của Việt Nam về năng lượng sạch được mời tham dự.
Chia sẻ sau sự kiện, Tiến sĩ Đỗ Thế Cần cho biết: “Hội nghị là cơ hội lớn để chúng tôi kết nối đầu tư, đồng thời tiếp cận các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm công nghệ Việt”.
Dây chuyền của 5RTECH không chỉ là lời giải cho vấn đề rác thải năng lượng tái tạo tại Việt Nam mà còn là nền tảng vững chắc để mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt tại Đông Nam Á và châu Âu. Đây là bước đi quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.
Theo scp.gov.vn