Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp được khảo sát có kỳ vọng tăng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó hơn 70% các công ty được khảo sát có doanh thu tăng hơn 5% trong 12 tháng qua.
Kỳ vọng về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng hơn, với 75% đối tượng được khảo sát trả lời lạc quan so với chỉ 66% ở cuộc khảo sát thực hiện vào giữa năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang là một trong những bên hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và trở thành một nơi sản xuất thay thế, do đó hoạt động đầu tư sẽ còn tăng trưởng hơn.
Tỷ lệ lạc quan kinh doanh cao của DN Việt Nam cũng được phản ánh qua các kế hoạch đầu tư của các công ty được khảo sát. Theo đó mức độ đầu tư vào nhà xưởng mới của doanh nghiệp Việt Nam đang đứng thứ nhất toàn cầu với 67% và đứng thứ 2 sau Nigeria về kế hoạch đầu tư vào máy móc trang thiết bị (76%).
Kết quả trên cũng phù hợp với số liệu công bố của Tổng cục Thống kê như tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt 7,02% với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước là gần 517 tỷ USD khá ấn tượng. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, ước tính đạt 9,9 tỷ USD.
Điều đáng mừng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp lập kỷ lục mới qua từng năm. Nếu như giai đoạn 2016 – 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới so với 70.000 – 80.000 doanh nghiệp của những năm trước đó. Riêng năm 2019, cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.730,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.254,4 nghìn lao động, tăng 5,2% về số doanh nghiệp, tăng 17,1% về vốn đăng ký và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2019 lên 177,5 nghìn doanh nghiệp, tính trung bình mỗi tháng có gần 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Dù vậy, chỉ số lạc quan của nửa cuối năm 2019 mà Grant Thornton ghi nhận được lại giảm 10% so với nửa đầu năm 2019, bởi các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng từ những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Đại diện của Grant Thornton cho rằng, các công ty ở Việt Nam ngày càng cảnh giác hơn với những rủi ro hiện hữu, bao gồm thiếu hụt đơn hàng (51%), bất ổn kinh tế (47%), tình trạng quan liêu (54%) và thiếu hụt tài chính (54%); tất cả các mối lo lắng đều ghi nhận mức tăng từ 9-12% so với giai đoạn nửa đầu năm 2019. Song song với đó, các doanh nghiệp còn lo ngại đáng kể về nguồn cung và chi phí năng lượng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong thời gian tới đây. Tiếp đó, gia tăng chi phí lao động và tiền lương cũng đang được các doanh nghiệp cho biết là một trong những mối quan ngại lớn nhất. Trên thế giới, yếu tố tiền lương tăng cũng là chỉ số mà doanh nghiệp các nước bình chọn nhiều khi nói đến những khó khăn ảnh hưởng đến kinh doanh (46%).
Nhiều quan ngại chính là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn năm 2019 lên tới 28,7 nghìn, tăng 5,9% so với năm 2018, và số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 43,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,7%. Tuy nhiên theo nhìn nhận của chuyên gia, dù không mong muốn, song đây được xem là quá trình tự thanh lọc, khi các doanh nghiệp yếu rút lui nhường chỗ cho những doanh nghiệp có ý tưởng mới, một cách để nền kinh tế liên tục tái cơ cấu.
Nhằm tạo đà có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, cần có thêm cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp khắc phục hạn chế, tồn tại, vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, sáng tạo các sản phẩm chiến lược của quốc gia.
Theo Thời Báo Ngân Hàng