Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, hết năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cấp phép cho 277 dự án của DN Việt Nam đầu tư sang Lào với tổng số vốn FDI đạt 5,1 tỷ USD, tăng 1,4 lần về số dự án và tăng gần 35% tổng số vốn FDI so với năm 2009. Hoạt động đầu tư của DN Việt Nam đã phủ khắp 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Lào là nước có số DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, giải ngân lũy kế đến nay khoảng 2,2 tỷ USD.
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu "Đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại Lào" do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững – SCODE (Hội Khoa học Đông Nam Á) tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Dũng - thành viên Nhóm nghiên cứu - cho biết: Bên cạnh những thuận lợi trong môi trường kinh doanh tại Lào, nhà đầu tư Việt Nam khi bước chân vào thị trường này phải đối diện với nhiều khó khăn. Vướng mắc nổi bật là hạn chế của nhà đầu tư về khả năng nắm bắt thông tin, chính sách, xác định đúng môi trường và cơ hội đầu tư, chuỗi giá trị và thị trường phù hợp với nội lực. Theo kết quả khảo sát, ngôn ngữ và văn hóa là rào cản lớn đối với DN Việt, làm giảm hiệu quả sản xuất, gây hiểu lầm, rắc rối và thiệt hại không đáng có.
Khuyến nghị DN Việt, ông Phạm Văn Dũng cho rằng, nhà đầu tư cần nhận biết rõ những khoản đầu tư ngoài dự kiến như: Hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đóng góp tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao ở địa phương để có được sự ủng hộ của cộng đồng. Đặc biệt, cần tìm hiểu rõ và tôn trọng quyền sử dụng đất theo luật tục của cộng đồng địa phương. Nhà đầu tư chỉ có thể hoàn thành tốt trách nhiệm trong sử dụng đất khi người dân địa phương đồng thuận và được tham gia vào dự án với tư cách là "chủ đất" theo truyền thống. Bên cạnh đó, Lào có chính sách về lao động với xu hướng bảo hộ lao động trong nước. Theo đó, lao động Việt Nam phải trả phí cao, khoảng 500 USD/năm để hoàn thành thủ tục lao động. Vì vậy, DN Việt cần có chiến lược đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng lao động tại chỗ đồng thời với lộ trình phù hợp để tăng dần tỷ lệ lao động địa phương.
Để hoạt động đầu tư của DN Việt Nam tại Lào đạt kết quả tốt, Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào kiến nghị Chính phủ Lào xem xét, quy hoạch lại quỹ đất; xác định khu vực phát triển nông nghiệp dài hạn, ưu tiên giao phía Việt Nam nghiên cứu dự án trồng cây ăn quả. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Giảm 30% tiền tô nhượng đất, giảm 50% tiền thuế sử dụng đất hàng năm, hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện, nước vào dự án... Đối với dự án nông - lâm nghiệp ổn định, khai thác kinh doanh tốt, xem xét cấp giấy phép kinh doanh thời hạn 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay.
Cơ cấu đầu tư của các DN Việt Nam tại Lào: Lĩnh vực năng lượng (26%); dịch vụ hạ tầng (20%); nông - lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp (23%); khai khoáng (19%); tài chính - ngân hàng (gần 3%). |
Nguồn Báo Công Thương